Bệnh động kinh ảnh hưởng đến trẻ em ở các độ tuổi khác nhau và theo những cách khác nhau. Nhận biết sớm và điều trị bệnh động kinh đúng phương pháp là chìa khóa cho kết quả tốt nhất có thể. Cùng tìm hiểu về bệnh động kinh trẻ em: Chẩn đoán, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh.
Chẩn đoán co giật ở trẻ em
Sau khi trẻ bị co giật, trẻ cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của
bệnh động kinh. Bác sĩ sẽ muốn biết về bệnh sử của trẻ và có thể hỏi những vấn đề sau:
-
Về quá trình mang thai và sinh nở của người mẹ;
-
Trẻ có bị sốt cao hoặc chấn thương đầu nghiêm trọng hay không?
-
Những người thân trong gia đình có tiền sử bị động kinh không?
-
Các biểu hiện như trẻ nhìn chằm chằm nhiều, không chú ý hoặc nín thở.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi chi tiết về cơn động kinh của trẻ như chẳng hạn như cơn xảy ra trông như thế nào, xảy ra khi nào và kéo dài bao lâu. Người nhà của
trẻ bị động kinh càng cung cấp được nhiều thông tin thì càng tốt. Người nhà có thể mô tả về cơn co giật cho bác sĩ, chẳng hạn như trẻ có cử động hay không, mắt trẻ mở hay nhắm… ghi lại ngày, giờ và thời gian cơn co giật diễn ra trong bao lâu.
Bác sĩ cũng sẽ thực hiện khám bệnh toàn diện dựa trên khám lâm sàng và cận lâm sàng. Các phương pháp cận lâm sàng có thể được chỉ định như:
-
Xét nghiệm máu;
-
Điện não đồ (EEG) để đo các xung điện trên não;
-
Chụp CT hoặc MRI sọ não.
Sau khi khám, làm các xét nghiệm và theo dõi một thời gian, bác sĩ sẽ xác định xem trẻ có bị động kinh hay không hoặc có thể là một bệnh lý nào khác. Nếu trẻ bị động kinh, bác sĩ sẽ phân loại các loại cơn động kinh mà trẻ đang gặp phải và sau đó thảo luận với người nhà về các lựa chọn điều trị khác nhau. Các bậc phụ huynh cũng nên xem xét liệu các triệu chứng và đặc điểm của trẻ (tuổi, tần suất co giật, tiền sử gia đình và các yếu tố khác) có phù hợp với một loại hội chứng hoặc mô hình nhất định hay không.
Triệu chứng bệnh động kinh ở trẻ em
Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra một cơn động kinh. Không phải tất cả các cơn động kinh đều có các biểu hiện co giật hoặc cử động cơ bất thường. Đôi khi đứa trẻ lại có vẻ như chỉ đang mơ mộng hoặc không chú ý. Cơn co giật thậm chí có thể không kéo dài một phút. Sau đó, trí não của trẻ sẽ trở lại bình thường. Nhưng theo thời gian, nếu đứa trẻ tiếp tục bị những cơn động kinh và không được điều trị có thể nguy hiểm và cản trở sự phát triển và giáo dục của trẻ.
Nhận biết cơn
động kinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt khó khăn vì những bệnh nhi không thể cho chúng ta biết chúng cảm thấy thế nào hoặc chúng nhớ gì?
Cha mẹ, giáo viên và những người lớn khác chăm sóc trẻ em nên biết
các dấu hiệu của bệnh động kinh là gì? Điều quan trọng cần nhớ là nhiều dấu hiệu trong số này là hành vi bình thường thời thơ ấu. Tuy nhiên, nếu chúng xảy ra thường xuyên và có vẻ bất thường, thì nên nói với bác sĩ. Thông thường, ngay cả khi trẻ bị co giật, đó có thể không phải là bệnh động kinh. Sốt cao và một số bệnh cũng có thể gây co giật, vì vậy điều quan trọng là việc chẩn đoán chính xác.
Triệu chứng bệnh động kinh ở trẻ em thường thấy như:
-
Mất tập trung trong thời gian ngắn, hành vi choáng váng, mất trí nhớ, lầm bầm hoặc không có phản ứng;
-
Ngã đột ngột, vấp ngã thường xuyên hoặc vụng về bất thường;
-
Các cử động lặp đi lặp lại, bất thường như gật đầu hoặc chớp mắt nhanh;
-
Đau bụng đột ngột, sau đó là lú lẫn và buồn ngủ;
-
Buồn ngủ bất thường và khó chịu khi thức dậy;
-
Thường phàn nàn về mọi thứ hình ảnh, âm thanh, vị, mùi;
-
Nỗi sợ hãi hoặc tức giận đột ngột, lặp đi lặp lại;
-
Các cụm động tác “dao xếp” (lặp đi lặp lại) của các em bé đang ngồi xuống;
-
Nhóm cử động nắm bằng cả hai tay ở trẻ nằm ngửa.
Nếu các bậc phụ huynh nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên xảy ra thường xuyên, hãy nói với bác sĩ. Nếu trẻ đang đi học, chúng ta nên hỏi giáo viên xem họ có nhận thấy bất kỳ hành vi nào giống như vậy không?
Những nguyên nhân gây động kinh ở trẻ em
Co giật ở trẻ em có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến của co giật hoặc động kinh ở trẻ em bao gồm:
-
Sốt cao co giật;
-
Nguyên nhân di truyền;
-
Chấn thương đầu;
-
Nhiễm trùng não và màng não;
-
Thiếu oxy lên não;
-
Não úng thủy (dư thừa nước trong khoang não);
-
Rối loạn phát triển não bộ.
Tuy nhiên, hầu hết các cơn động kinh ở trẻ em không liên quan đến một nguyên nhân rõ ràng.
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của bệnh động kinh ở trẻ em bao gồm u não hoặc u nang và rối loạn thoái hóa (tình trạng tiến triển và xấu đi, thường liên quan đến mất tế bào não). Có một sự khác biệt quan trọng giữa nguyên nhân gây co giật, chẳng hạn như sốt cao ở trẻ nhỏ, và nguyên nhân gây động kinh, chẳng hạn như chấn thương nặng ở đầu.
Các nghiên cứu đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc tiêm chủng vaccin gây ra bệnh động kinh. Tuy nhiên, co giật có thể xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày sau khi tiêm chủng, đặc biệt nếu sau đó là sốt. Trong những trường hợp như vậy, đứa trẻ có thể bị co giật do sốt cao. Khi trẻ được tiêm chủng, cha mẹ nên cho trẻ uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen trước khi trẻ bị sốt. Trẻ em bị một cơn co giật sau khi tiên chủng thường có thể được tiêm chủng thêm.
Nhiều cơn động kinh ở trẻ em là lành tính, có nghĩa là chúng diễn ra trong thời gian ngắn và sẽ không tiếp tục đến tuổi trưởng thành, và sự phát triển cũng như trí tuệ của trẻ thường bình thường. Các cơn động kinh khác nghiêm trọng và dai dẳng, thường liên quan đến chậm phát triển hoặc thiểu năng trí tuệ.
Tiên lượng cho các cơn động kinh chỉ phụ thuộc một phần vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, hai đứa trẻ có thể bị nhiễm cùng một loại vi khuẩn và cả hai đều bị
viêm màng não (nhiễm trùng màng bao phủ não và tủy sống). Một đứa trẻ bị động kinh nặng, nhưng đứa trẻ kia không bao giờ bị co giật. Nhiễm trùng do vi khuẩn ở một đứa trẻ có thể đã lan rộng hơn, liên quan đến các vùng nhạy cảm của não. Hoặc vi khuẩn có thể đã lây nhiễm tĩnh mạch ở một đứa trẻ và gây ra một cơn đột quỵ nhỏ, sau đó gây ra chứng động kinh. Hoặc có lẽ một đứa trẻ có khuynh hướng di truyền bị co giật, và nhiễm trùng đã làm khởi phát và biểu hiện bệnh.
Tất cả mọi người đều có khả năng bị động kinh. Vẫn chưa rõ tại sao một số trẻ em bị co giật sau các sự cố như chấn thương đầu trong khi hầu hết những trẻ khác thì không. “Ngưỡng động kinh” đề cập đến các điều kiện cần thiết để tạo ra một cơn động kinh. Ở động vật, ngưỡng co giật có thể được xác định chính xác bằng cách quan sát phản ứng của chúng đối với một số hóa chất hoặc kích thích điện. Ở người, thuật ngữ “ngưỡng động kinh” được sử dụng theo nghĩa trừu tượng hơn. Ở những người có xu hướng lên cơn động kinh, ngưỡng này thấp hơn so với những người có sức đề kháng lớn hơn hoặc ngưỡng cao hơn để chống lại cơn động kinh. Di truyền, nội tiết tố, thiếu ngủ và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến ngưỡng động kinh của một cá nhân.
BS. Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)