Hội chứng Dravet là bệnh động kinh di truyền hiếm gặp, gây ra các cơn co giật không đáp ứng tốt với thuốc chống động kinh. Hội chứng này bắt đầu trong năm đầu đời ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Tiến sĩ Veronica Hood cùng với Ban Cố vấn Y tế của Tổ chức Hội chứng Dravet đã tiến hành một nghiên cứu để khảo sát bệnh nhân mắc hội chứng Dravet sau khi tiêm vaccin COVID-19.
Khi chúng ta tiếp tục nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, vaccin vẫn là công cụ tốt nhất để ngăn chặn bệnh COVID-19. Vaccin dạy cho hệ thống miễn dịch của chúng ta cách chống lại virus gây ra COVID-19 và giúp làm chậm sự lây lan của virus. Vaccin COVID-19 an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa người mắc bệnh, cũng như ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng và tử vong. Sự bảo vệ này được tăng lên ở những người đã được tiêm nhắc lại. Những người đã được tiêm phòng, và đặc biệt là những người đã được tiêm nhắc lại, ít có khả năng bị nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, vaccin không hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19. Nhiễm trùng bùng phát có thể xảy ra ngay cả ở những người đã được tiêm phòng đầy đủ. Điều quan trọng là, những người bị mắc COVID-19 đã được tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại ít có khả năng phát triển các triệu chứng nghiêm trọng, phải nhập viện hoặc tử vong vì COVID-19.
Các vấn đề nghiêm trọng do vaccin COVID-19 rất hiếm gặp, nhưng bệnh nghiêm trọng do COVID-19 vẫn là một rủi ro. Hầu hết thông tin về những rủi ro này đến từ những người không có bất kỳ tình trạng bệnh lý nào. Tuy nhiên, những người bị động kinh thường phải đối mặt với nguy cơ co giật và các biến chứng y tế khác hàng ngày. Ví dụ, tiêm chủng và sốt thường có thể gây co giật ở những người mắc
hội chứng Dravet. Thông tin bổ sung về nguy cơ lây nhiễm và tiêm chủng COVID-19 ở các nhóm bệnh nhân có liên quan có thể giúp những người bị động kinh và người chăm sóc họ đưa ra quyết định tiêm chủng.
Hội chứng Dravet và tiêm chủng
Hội chứng Dravet là một dạng động kinh di truyền hiếm gặp với những cơn co giật khó điều trị bắt đầu trong năm đầu tiên của cuộc đời. Bệnh nhân mắc hội chứng Dravet cũng gặp các triệu chứng khác ảnh hưởng đến hành vi, nhận thức, lời nói, cử động và giấc ngủ. Có những
tác nhân gây co giật phổ biến khác đối với bệnh nhân mắc hội chứng Dravet bao gồm ánh sáng nhấp nháy, căng thẳng, phấn khích, thay đổi nhiệt độ và bệnh tật. Có thể hiểu được, nguy cơ co giật gia tăng sau khi tiêm chủng có thể gây ra sự do dự đối với những người mắc hội chứng Dravet. Tuy nhiên, các quyết định xung quanh việc tiêm phòng nên được cân nhắc với nguy cơ nhiễm trùng, bệnh tật và sốt, những điều này cũng có thể làm gia tăng hoạt động co giật.
Nghiên cứu tác dụng của việc tiêm phòng COVID-19 đối với hội chứng Dravet
Trong nỗ lực giúp các gia đình người bệnh đưa ra quyết định sáng suốt, Tổ chức Hội chứng Dravet đã làm việc với Ban Cố vấn Y tế của họ để đề xuất phát triển một nghiên cứu nhằm khảo sát trải nghiệm của bệnh nhân mắc hội chứng Dravet sau khi tiêm vaccin COVID-19. Tại thời điểm nghiên cứu, vaccin COVID-19 đã được phê duyệt cho những người trên 12 tuổi. Cuộc khảo sát đã nhận được phản hồi từ 120 người chăm sóc bệnh nhân mắc hội chứng Dravet đã được tiêm vaccin COVID-19. Các tác dụng phụ chính được báo cáo là mệt mỏi và đau nhức tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ đầu tiên. Tổng cộng có 16 bệnh nhân (trong số 120) bị co giật sau khi tiêm liều vaccin COVID-19 đầu tiên hoặc thứ hai. Không ai trong số những bệnh nhân này trải qua trạng thái động kinh, đó là mối quan tâm chung của bệnh nhân mắc hội chứng Dravet. Sau khi tiêm phòng, một số người chăm sóc đã đưa ra nhận xét nói rằng sự gia tăng hoạt động co giật dường như có liên quan đến sốt.
Những người mắc Hội chứng Dravet có nên tiêm phòng COVID-19 không?
Nhìn chung, rủi ro liên quan đến việc tiêm vaccin COVID-19 ở những bệnh nhân mắc hội chứng Dravet là thấp. Mặt khác, nhiễm COVID-19 tiếp tục gây ra nguy cơ mắc bệnh và tử vong đáng kể. Những người không khỏe mạnh thường có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn do các bệnh lý nền và khả năng phơi nhiễm. Một nghiên cứu khác cho thấy những bệnh nhân bị rối loạn thần kinh có nhiều khả năng gặp
các triệu chứng thần kinh liên quan đến nhiễm COVID-19. Chỉ hơn 10% những người mắc hội chứng Dravet trong nghiên cứu này đã trải qua sự gia tăng hoạt động co giật bình thường của họ sau khi tiêm vaccin COVID-19. Những bệnh nhân có nguy cơ đặc biệt bị co giật đột ngột nên làm việc với bác sĩ, lên một kế hoạch phòng ngừa, để giảm khả năng bị sốt hoặc co giật đột ngột. So sánh lợi hại giữa nguy cơ nhiễm COVID-19 với việc tiêm vaccin, các bác sĩ lâm sàng tiếp tục khuyến nghị bệnh nhân mắc hội chứng Dravet nên tiêm vaccin COVID-19.
Những người bị
bệnh động kinh nên nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro cụ thể của họ đối với COVID-19 và vaccin phòng bệnh cũng như các bước họ có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro.
BS. Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)