Động kinh (Giật kinh phong) là một trong những chứng rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Ngoài tác động tới não bộ, động kinh còn ảnh hưởng đến chức năng của nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Động kinh là thuật ngữ xảy ra khi các neuron thần kinh phóng điện đột ngột, dẫn đến rối loạn thần kinh trung ương, có xu hướng chu kỳ và tái phát.
Triệu chứng của động kinh rất đa dạng, có thể biểu hiện bằng các cơn co giật, mất ý thức tạm thời. Một số người có biểu hiện bất tỉnh trong hoặc sau cơn động kinh.
Động kinh không phải bệnh tâm thần, cũng không phải dấu hiệu của sự sa sút về mặt trí tuệ, giữa các cơn động kinh người bệnh hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân gây ra chứng động kinh
Hầu hết các bệnh nhân mắc động kinh đều không rõ nguyên nhân (động kinh vô căn). Đa số các trường hợp mắc bệnh do những yếu tố sau:
-
Do yếu tố di truyền, yếu tố này chiếm tỉ lệ nhỏ trong những trường hợp động kinh.
-
Do bất thường về các chỉ số hóa học trong não như Na+. K+, Ca+…
-
Tổn thương não: Bệnh nhân thường bị động kinh sau khi gặp chấn thương ở vùng não bộ như tai nạn, viêm não, tai biến mạch máu não, sốt cao co giật…
-
Có khối u ở não hoặc cấu trúc bất thường ở não.
-
Sử dụng, lạm dụng các chất kích thích như ma túy, thuốc chống trầm cảm liều cao trong thời gian dài.
Phân loại động kinh
Dựa vào các đặc điểm lâm sàng, động kinh được chia làm hai nhóm chính là cơn động kinh toàn thể và cơn động kinh cục bộ (đặc điểm lâm sàng của cơn động kinh phụ thuộc vào vị trí phóng điện ở não và mức độ lan rộng của nó).
Cơn động kinh toàn thể
Cơn co giật: Trước khi người bệnh có cơn động kinh (trong một số trường hợp có triệu chứng báo trước). Ví dụ, trước khi lên cơn động kinh người bệnh thấy giật giật nhẹ ở ngón tay một bên, nóng ran nửa người, mắt nóng, ù tai, cảm thấy mùi gì khó chịu hoặc bệnh nhân cảm thấy lo lắng, bồn chồn,...
Hầu hết các cơn động kinh đều xuất hiện đột ngột với các biểu hiện:
-
Bệnh nhân đột ngột mất ý thức, kêu lên rồi ngã xuống. Chân tay duỗi cứng, hai bàn tay nắm chặt, cơ hô hấp co cứng, cơ thanh quản khép, người bệnh có thể ngừng thở ngắn nên da niêm mạc tím ngắt do thiếu oxy. Giai đoạn này gọi là giai đoạn co cứng, kéo dài 20-30 giây.
-
Tiếp theo, tay chân co giật theo nhịp, ban đầu nhịp chậm về sau nhanh dần, cuối cơn thưa dần và ngừng hẳn khi hết cơn động kinh. Các cơ ở mặt cũng co giật, mắt trợn ngược, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, sùi bọt mép. Giai đoạn này kéo dài 30-60 giây.
-
Sau khi ngừng co giật, các cơ mềm trở lại, bệnh nhân vẫn mất ý thức, thở sâu, đồng tử hai bên giãn nhẹ. Sau đó bệnh nhân tỉnh lại, gọi hỏi có đáp ứng nhưng có thể lú lẫn trong một khoảng thời gian. Bệnh nhân sau đó có thể đau đầu, mệt mỏi, có phản xạ gân xương căng ở tứ chi. Sau khi hồi phục ý thức trở lại bệnh nhân có thiên hướng chuyển sang ngủ sâu.
-
Thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cơn, bệnh nhân phục hồi ý thức trở lại khoảng 2-3 phút, ít khi kéo dài quá 5 phút. Sau cơn, bệnh nhân không nhớ cơn như thế nào. Nếu ý thức bệnh nhân chưa hồi phục lại mà đã xuất hiện cơn co giật tiếp theo thì gọi là trạng thái động kinh (status epilepticus).
Cơn vắng ý thức: Cơn vắng ý thức chủ yếu xảy ra ở trẻ em, thể hiện bằng sự gián đoạn ý thức và hành động với môi trường xung quanh trong khoảng thời gian ngắn (thông thường 3-5 giây). Ví dụ như khi bệnh nhân đang ăn thì ngưng nhai, rơi bát đũa, đang nói chuyện thì ngừng lại,... vẻ mặt ngơ ngác rồi có ý thức trở lại và tiếp tục công việc. Người bên cạnh thường tưởng là bệnh nhân ngủ gật hoặc không chú ý vào công việc. Cơn vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ em, biểu hiện ở sự gián đoạn ý thức và hành động với môi trường xung quanh trong khoảng thời gian ngắn.
Cơn giật cơ: Biểu hiện lâm sàng của cơn giật cơ là những động tác giật cơ đột ngột, ngắn, xảy ra đối xứng hai bên, vị trí có thể toàn thân hoặc khu trú ở tay hoặc đầu với cường độ khác nhau, không kèm rối loạn tri giác. Bệnh thường khởi đầu ở tuổi thanh niên, cơn giật thường xảy ra vào buổi sáng, đôi khi làm bệnh nhân ngã nhưng hồi phục lại ngay lập tức.
Cơn mất trương lực cơ: Người bệnh đột ngột mất trường lực cơ, ngã xuống đất nhưng sau đó hồi phục nhanh. Trường hợp chiếm khoảng 1% số những bệnh nhân động kinh.
Hội chứng West: Thường xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở nam nhiều hơn nữ. Các cơn động kinh thường xảy ra rất ngắn, tối đa trong khoảng 2-3 giây. Đa số các trường hợp có sự co thắt gấp người cả hai bên cơ thể và đối xứng. Ví dụ như đứa bé đang nằm đầu không tự chủ nhấc đầu lên khỏi giường, gấp đầu và mình gấp đôi người lại. Các chi có biểu hiện cụ thể như các chi trên bắt chéo trước ngực, chi dưới tư thế gấp. Nếu co thắt ở tư thế duỗi thì hai chi trên duỗi thẳng và khép bắt chéo.
Cơn động kinh cục bộ
Cơn cục bộ đơn giản (cơn không kèm rối loạn ý thức): Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, ít khi tiến triển thành các cơn cục bộ loại khác. Vị trí co giật thường xảy ra ở một chi hay ở mặt, sự co cứng hoặc co giật xuất hiện ở một phần cơ thể.
Cơn cục bộ phức tạp (có kèm theo rối loạn ý thức): Khởi phát bằng triệu chứng cục bộ đơn giản, sau đó xuất hiện rối loạn ý thức. Bệnh nhân có những biểu hiện rối loạn hành vi như nhói lảm nhảm, mặt nhăn nhó, nhai tóp tép, cởi quần áo, đi lang thang. Những cơn cục bộ phức tạp có nguồn gốc thùy tráng hay thùy thái dương của não, có thể tiến triển thành cơn toàn thể hóa thứ phát.
Cơn toàn thể hóa thứ phát: Là những cơn động kinh cục bộ, tiến triển thành cơn toàn thể hóa thứ phát khi kích thích lan tỏa ra toàn bộ não. Bệnh nhân có thể có những dấu hiệu báo trước nhưng sự lan tỏa xảy ra rất nhanh, chỉ có điện não đồ mới chứng minh được bản chất của cơn co giật. Cơn co giật giống như cơn động kinh toàn thể.
Ảnh hưởng của động kinh đến cơ thể
Hệ tim mạch
Các cơn co giật có thể làm tim đập bất thường, đập quá chậm, quá nhanh hoặc không đều. Nhịp tim không đều có thể rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.
Hệ sinh sản
Tuy hầu hết những người bị động kinh đều có thể có con, nhưng bệnh có thể gây ra những thay đổi nội tiết tố, cản trở việc có con ở cả nam và nữ.
Ở nam giới, động kinh cũng làm giảm ham muốn tình dục. Trong một nghiên cứu liên quan cho thấy khoảng 40% nam giới bị động kinh có lượng hormone testosterone thấp, gây ảnh hưởng lớn đến số lượng tinh trùng và chất lượng tinh trùng.
Phụ nữ bị động kinh khi mang thai có nhiều nguy cơ bị co giật hơn. Và cơn động kinh làm tăng khả năng nguy cơ ngã, sảy thai và sinh non. Việc sử dụng thuốc điều trị động kinh trong thai kỳ cũng là một trong những yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Ở phụ nữ mắc bệnh động kinh, tình trạng rong kinh và bệnh buồng trứng đa nang phổ biến hơn khiến trứng khó có thể thụ tinh hoặc khi đã thụ tinh khó có thể di chuyển vào tử cung. Bản thân động kinh và các loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục của phụ nữ.
Phụ nữ mắc bệnh động kinh luôn cần được theo dõi cẩn thận khi mang thai.
Hệ hô hấp
Cơn động kinh có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và chức năng thở. Động kinh gây ra nghẹt thở rất hiếm gặp, thường chỉ gây ra khó thở và ho. Hệ hô hấp có thể bị gián đoạn, dẫn đến lượng oxy thấp bất thường nếu không được phát hiện kịp thời khi có cơn có thể góp phần gây
đột tử bất ngờ ở người động kinh (SUDEP).
Hệ thần kinh
Động kinh có thể ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh tự chủ - hệ thống kiểm soát hoạt động vô thức và các chức năng của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp. Nó gây ra các triệu chứng:
-
Tim đập nhanh.
-
Nhịp tim chậm, nhanh hoặc không đều.
-
Ngừng thở đột ngột.
-
Đổ mồ hôi.
-
Mất ý thức.
Hệ thống cơ trên cơ thể
Hệ thần kinh có chức năng kiểm soát hoạt động của cơ giúp bạn di chuyển, đi lại, nhảy, cầm nắm đồ vật. Trong một cơn động kinh, các cơ có thể co giật làm tứ chi mất lực dẫn đến cơ mềm nhũn hoặc co giật làm cho các cơ co thắt, giật một cách không chủ ý.
Hệ xương khớp
Bệnh động kinh không gây ảnh hưởng đến xương, nhưng các loại thuốc điều trị bệnh có thể làm mất xương và cuối cùng là nguy cơ gãy xương do loãng xương. Khi có cơn động kinh tới bất ngờ, không báo trước người bệnh có thể bị ngã dẫn đến gãy xương.
Hệ tiêu hóa
Co giật có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như:
-
Đau bụng, ăn uống khó tiêu.
-
Buồn nôn, ói mửa.
Những lưu ý khi sống chung với bệnh động kinh
Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, cơn động kinh thường xuất hiện bất ngờ trong nhiều trường hợp có thể khiến người bệnh gặp chấn thương nghiêm trọng. Do vậy người bệnh cần rất lưu ý với một số yếu tố như:
-
Nguồn nhiệt: Người bệnh không nên dùng bếp lửa. Nên đun nóng bằng bếp từ hoặc lò vi sóng để tránh nguy cơ bị bỏng.
-
Nước: Khi tắm giặt nên dùng vòi hoa sen thay cho bồn tắm để tránh nguy cơ ngạt nước khi động kinh xảy ra.
-
Cầu thang: Nhà của người bệnh nên có đệm cầu thang, có tay vịn, tránh các trường hợp gây tổn thương cho cơ thể ở cầu thang.
-
Điện: Các dụng cụ dùng điện, ổ điện nên có bộ phận ngắt tự động khi có va chạm.
DS. Hoàng Long (Thọ Xuân Đường)