Đối với người bệnh động kinh, tất cả những nơi và tình huống bình thường trong sinh hoạt hàng ngày đều có thể nguy hiểm. Tuy nhiên, chấn thương có thể được giảm thiểu bằng một số thay đổi đơn giản về môi trường xung quanh. Học cách giảm thiểu rủi ro là một phần quan trọng để người mắc bệnh động kinh sống an toàn. Dưới đây là những cách để giữ an toàn cho người bệnh động kinh.
Nhận biết rủi ro của người bệnh động kinh
Quyết định những gì nên làm, những gì không nên làm và khi nào cần đề phòng là điều khó khăn. Người bệnh động kinh cần nói chuyện với bác sĩ của họ và xem xét một số câu hỏi như:
-
Nguy cơ co giật của tôi là gì?
-
Khi nào cơn co giật của tôi có xu hướng xảy ra và tôi sẽ thực hiện những hoạt động nào vào thời điểm đó?
-
Tôi có nguy cơ bị thương tích gì cho bản thân và cho người khác?
-
Loại hoạt động nào tôi có thể tham gia và những nguy hiểm tiềm ẩn là gì?
-
Những biện pháp phòng ngừa an toàn nào tôi có thể chuẩn bị?
Bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho người bệnh động kinh các biện pháp phòng ngừa an toàn đơn giản như sử dụng đồ bảo hộ có thể có ý nghĩa đối với một số hoạt động. Việc tránh xa một số hoạt động có rủi ro cao cũng có thể cần thiết đối với một số người bệnh. Sử dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn bổ sung trong thời gian có nguy cơ bị co giật cao. Thiết bị hoặc hỗ trợ thích ứng có thể cần thiết cho những người có xu hướng bị ngã hoặc gặp khó khăn trong việc đi lại an toàn. Việc đánh giá mức độ an toàn của nhà ở, trường học hoặc nơi làm việc có thể giúp người bệnh tìm hiểu loại hỗ trợ hoặc thiết bị nào có thể hữu ích.
Điều khiển phương tiện giao thông an toàn
Đối với những người bị
động kinh, việc hạn chế hoặc không tham gia điều khiển các phương tiện giao thông luôn được khuyến cáo. Thậm chí ở nhiều nơi, còn có những nguyên tắc, luật lệ riêng về việc lái xe đối với người mắc bệnh động kinh.
Không nên lái xe nếu người bệnh thường xuyên bị cơn động kinh hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc chống động kinh gây ảnh hưởng đến khả năng an toàn của người bệnh cũng như những người tham gia giao thông khác. Người mắc bệnh động kinh nên có người đưa đón đi lại để đảm bảo an toàn.
Đối với phương tiện đi lại, người bệnh động kinh không nên đi xe máy hoặc xe đạp, kể cả là ngồi sau bởi việc ngã xuống đường rất nguy hiểm. Việc lựa chọn đi ô tô (có người khác lái xe) sẽ an toàn hơn cho người bệnh.
An toàn với nước
Người bệnh có thể bị đuối nước nếu họ bị co giật trong nước. Khi chỉ có một mình, người bệnh nên tránh xa ao, hồ, sông, suối, biển… Người mắc bệnh động kinh khi bơi lội hoặc có những hoạt động dưới nước cần phải được trang bị áo phao và cần có người biết bơi, có kỹ năng cứu sinh và biết cách ứng phó với các cơn động kinh ở bên cạnh giám sát.
Người mắc bệnh động kinh nên tắm vòi hoa sen hoặc tắm dội nước từ chậu thay vì tắm bằng bồn. Nếu thường xuyên bị co giật hoặc dễ bị ngã, hãy sử dụng ghế tắm và vòi tắm linh hoạt. Hoặc ngồi dưới đáy bồn tắm không đầy nước để tắm thay vì đứng.
Để an toàn hơn, một biển treo đang sử dụng nhà tắm ở ngoài cửa rất hữu ích đối với người bệnh động kinh. Nhà tắm là nơi mà mọi người rất khó để xử lý kịp thời khi có biến cố xảy ra bởi thường chốt bên trong. Bởi vậy, khi tắm, người bệnh chỉ cần treo biển trước cửa mà không cần chốt trong và nhờ người chăm sóc ở gần đó trong khi tắm và nhờ hỗ trợ nếu cần.
Phòng cháy chữa cháy
Nếu người bệnh bị co giật không kiểm soát được, hãy hết sức cẩn thận với nguồn nhiệt hoặc ngọn lửa.
Người bệnh cần ngồi cách xa ngọn lửa, chẳng hạn như lửa trại, nến, bếp lửa (củi, than, dầu, gas…).
Người bệnh động kinh không nên tự nấu ăn hoặc nấu ăn một mình để tránh các vấn đề hỏa hoạn, làm đổ đồ ăn nóng gây bỏng nếu không may lên cơn động kinh.
Người bệnh động kinh không hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ thứ gì tạo lửa hoặc duy trì ngọn lửa khi ở một mình (bếp, đèn dầu, nến, hương nhang…). Một đám cháy có thể bắt đầu nếu không may bị cơn động kinh, những vật đang cháy có thể bị đánh rơi và lan tỏa lửa.
Đảm bảo môi trường sống an toàn
Sắp xếp nhà ở, nơi làm việc hoặc học tập của người bệnh để được an toàn nếu không may lên cơn động kinh. Ví dụ, đệm tù các góc nhọn, sử dụng thảm chống trượt, đặt các rào chắn trước lò sưởi hoặc bếp nóng… Đặc biệt chú ý đến độ cao, lan can và các hồ bơi hoặc vùng nước gần đó. Người bệnh động kinh nên ở những nơi an toàn, không nên đi lại ở những khu vực nguy hiểm. Một số người động kinh thường xuyên bị ngã có thể cần cân nhắc đội mũ bảo vệ.
Nếu cơn động kinh của người bệnh không kiểm soát được, hãy tránh đi lại cầu thang hoặc độ cao không được bảo vệ, đặc biệt nếu người bệnh ở một mình. Để các vật dụng sinh hoạt chung ở tất cả các tầng trong nhà để tránh việc người bệnh phải lên xuống cầu thang thường xuyên.
Tránh sử dụng những thiết bị điện để cắt, khoan, xay nếu người bệnh không được kiểm soát được cơn động kinh.
An toàn khi hoạt động thể thảo, giải trí
Nếu người bệnh bị co giật trong một hoạt động giải trí có thể dẫn đến thương tích hoặc tổn hại, hãy tránh hoạt động đó.
Hầu hết những người bị động kinh đều có thể thực hiện các hoạt động thể thao, giải trí có mức độ an toàn cao, ngay cả khi không kiểm soát được cơn động kinh. Tuy nhiên, người bệnh nên tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động với người khác để đề phòng trong trường hợp cần giúp đỡ.
Một số người mắc bệnh động kinh có thể được khuyên không nên tham gia các môn thể thao tiếp xúc (như bóng đá, khúc côn cầu) hoặc các môn khác như trượt băng, đua xe đạp, thể dục dụng cụ, cưỡi ngựa và chèo thuyền.
Đối với những người kiểm soát tốt bệnh động kinh, có thể tham gia các hoạt động thể thao, giải trí miễn là họ mặc đồ bảo hộ thích hợp và người đó không bị co giật trong ít nhất vài tháng.
Nên trao đổi với bác sĩ
điều trị động kinh để có sự tư vấn, khuyến cáo những gì an toàn mà người bệnh có thể an toàn.
Tác dụng không mong muốn của thuốc
Đặc biệt cẩn thận nếu người bệnh động kinh đang dùng một loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, phối hợp, đi lại hoặc thị lực. Những vấn đề này có thể khiến người bệnh ngã hoặc tự làm mình bị thương.
Xin lưu ý rằng một số tác dụng phụ xảy ra do tương tác giữa các loại thuốc chống động kinh hoặc với những loại thuốc khác mà người bệnh dùng. Bất kỳ loại thuốc nào, kể cả các sản phẩm thực phẩm chức năng không kê đơn đều có thể gây ra vấn đề. Một số loại thực phẩm (ví dụ như nước ép bưởi) có thể ảnh hưởng đến nồng độ thuốc và dẫn đến thay đổi nồng độ thuốc trong máu.
Ngoài ra, thuốc chống động kinh còn có thể ảnh hưởng đến mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương; ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc tránh thai; phát ban, dị ứng nghiêm trọng.
Để giữ an toàn cho người bệnh trong khi sử dụng thuốc điều trị động kinh, người bệnh cần tuân thủ y lệnh, trao đổi sớm với bác sĩ khi thấy những biểu hiện bất thường.
Sự tử vong bất ngờ trong bệnh động kinh (SUDEP)
Rất hiếm khi có người
tử vong vì động kinh, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở những người bị động kinh là SUDEP, hoặc đột tử bất ngờ trong bệnh động kinh. Vì các cơn động kinh không kiểm soát được có thể đóng một vai trò nào đó, điều quan trọng là mọi người phải chú ý đến việc kiểm soát cơn động kinh của mình.
Đừng đột ngột dừng thuốc chống động kinh, vì đây có thể là một yếu tố rủi ro dẫn đến SUDEP.
Nếu thuốc không có tác dụng, đừng chấp nhận những cơn động kinh tiếp diễn. Nói chuyện với bác sĩ điều trị để có những phương pháp điều trị bệnh động kinh khác.
Nếu người bệnh hay bị co giật vào ban đêm, có thể ở chung phòng với người chăm sóc để được trợ giúp kịp thời.
Rủi ro tự sát
Nhiều loại thuốc động kinh có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Một số người có thể được cải thiện tình trạng trầm cảm hoặc các trạng thái tâm trạng khác, trong khi những người khác có thể làm trầm trọng thêm.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã báo cáo rằng một số loại thuốc chống động kinh có thể làm tăng nguy cơ có ý nghĩ và hành vi tự tử ở một mức độ nhỏ. Trong các thử nghiệm thuốc lâm sàng đối với một số loại thuốc trị động kinh, nguy cơ có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử là 0,2% đối với những người dùng giả dược so với 0,4% đối với những người dùng thuốc trị động kinh.
Nguy cơ tự tử cao hơn cũng được cho là xảy ra ở những người bị động kinh do nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Nếu tự ý ngừng thuốc chống động kinh có thể nguy hiểm và làm trầm trọng thêm các cơn co giật và tâm trạng của người bệnh.
Nếu người bệnh có các triệu chứng trầm cảm hoặc những thay đổi tâm trạng khác, hãy trao đổi với bác sĩ để chỉnh sửa đơn thuốc, hoặc có những biện pháp khác để điều trị toàn diện.
Bất kể nguyên nhân có thể là gì, những người nhận thấy những thay đổi trong suy nghĩ của họ hoặc cảm thấy không an toàn, nên nói ngay với một người đáng tin cậy và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Điều quan trọng cần nhớ là các biện pháp an toàn có thể cần thiết đối với một số người bị động kinh. Tuy nhiên, các biện pháp nên được lên kế hoạch để giảm bớt nguy cơ chấn thương đồng thời cho phép người bệnh sống một cuộc sống trọn vẹn nhất có thể.
BS. Nguyễn Thùy Ngân