Theo thống kê gần đây, các báo cáo cho thấy rằng những người bị động kinh không có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn so với những người khác. Tuy nhiên, những bệnh nhân động kinh vẫn nên tìm hiểu thêm về các triệu chứng, các phòng chống, cách điều trị COVID-19 và các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của mình khi sống chung với bệnh động kinh.
Những người bị động kinh có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 cao hơn không?
Bệnh động kinh không làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 và không làm tăng mức độ nghiêm trọng của COVID-19 nếu không may mắc phải.
Không có bằng chứng cho thấy những người bị động kinh đơn thuần bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Đối với một số loại động kinh, hoặc nguyên nhân cụ thể của chứng động kinh hoặc các tình trạng sức khỏe khác có thể có các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, vấn đề COVID-19 và bệnh động kinh vẫn cần được quan tâm. Bởi COVID-19 sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người mắc bệnh động kinh.
Yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 cho người bị bệnh động kinh?
Ở bệnh nhân động kinh có kèm theo các tình trạng sức khỏe khác có thể khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Những bệnh nhân này có thể đang dùng thuốc để kiểm soát cơn co giật cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch (ví dụ, ACTH, steroid, everolimus, liệu pháp miễn dịch). Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các loại thuốc trị co giật không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Các vấn đề thần kinh hoặc rối loạn phát triển khác có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Những người trong những tình huống này có nhiều nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn với các bệnh do virus gây ra.
Các vấn đề y tế khác có thể khiến người bị động kinh có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn với COVID-19, chẳng hạn như:
-
Những người bị các vấn đề khi nuốt hoặc thường xuyên hít phải thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi (nguy cơ viêm phổi cao hơn);
-
Bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề tiềm ẩn về tim hoặc phổi;
-
Khuyết tật về trí tuệ và phát triển;
Bất kể tình huống gì, điều quan trọng đối với bất kỳ người nào bị động kinh là cần phải trao đổi với bác sĩ đang theo dõi và điều trị cho mình để có hướng phòng bệnh và phòng những rủi ro khi không may mắc bệnh COVID-19.
Bệnh động kinh tự miễn dịch có làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng không?
Một số loại động kinh có thể phát sinh do sự thay đổi chức năng miễn dịch của cơ thể. Các loại động kinh này được gọi là bệnh động kinh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch là một phần quan trọng của cơ thể giúp chúng ta chống lại nhiễm trùng và viêm trong cơ thể, đặc biệt là não.
Bệnh động kinh tự miễn dịch có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Ví dụ như sử dụng các thuốc steroid hoặc globulin miễn dịch. Nếu bệnh nhân dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này có thể có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng cao hơn.
Bệnh nhân mắc bệnh động kinh cần phải phòng ngừa nhiễm Coronavirus như thế nào?
Người mắc bệnh động kinh cần thực hiện theo những khuyến cáo của CDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh) và các cơ sở y tế để giúp làm chậm sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa bổ sung mà những người có nguy cơ cao bị COVID-19 nghiêm trọng có thể thực hiện để tự bảo vệ mình.
Dưới đây là những lời khuyên quan trọng để mọi người tự bảo vệ mình khi nguy cơ mắc COVID-19:
-
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay với cồn;
-
Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người khác;
-
Cố gắng giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với người khác;
-
Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
Thực hiện theo các hướng dẫn từ cộng đồng về thời điểm tự cách ly và khi nào thì nên đeo khẩu trang. Khẩu trang được khuyến khích sử dụng khi đi ra ngoài, khi ở nơi đông người hoặc trong gia đình đang có người mắc COVID-19.
Đặc biệt, bệnh nhân động kinh luôn luôn phải có số điện thoại của đơn vị y tế để liên hệ khi khẩn cấp.
Vaccin giúp cho hệ thống miễn dịch của chúng ta chống lại virus gây ra COVID-19 và giúp làm chậm sự lây lan của virus. Vaccin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tật cho mọi người, cũng như ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Không có bằng chứng nào cho thấy những người bị động kinh có nguy cơ bị các phản ứng phụ cao hơn sau khi tiêm chủng. Như với bất kỳ loại vaccin nào, một số người có thể bị sốt, có thể hạ thấp ngưỡng co giật của họ trong thời gian ngắn, và hiếm khi có thể dẫn đến cơn động kinh đột ngột. Không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm chủng này làm trầm trọng thêm bệnh động kinh hoặc chấn thương não.
Sốt là một tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vaccin COVID-19. Một số người bị động kinh có thể có các cơn co giật do sốt. Bởi vậy, cần phải tiêm tại cơ sở y tế, theo dõi tại chỗ sau khi tiêm tối thiểu 30 phút và theo dõi các triệu chứng vài ngày sau đó, nếu có những biểu hiện bất thường hay trầm trọng, bệnh nhân cần liên hệ y tế ngay.
Bệnh nhân động kinh cần phải làm gì nếu mắc COVID-19?
Các triệu chứng của COVID-19 có thể tương tự như bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau họng và các triệu chứng giống như cảm lạnh. Thực hiện theo hướng dẫn của CDC về những việc cần làm nếu bệnh nhân động kinh không may mắc COVID-19. Nếu tần suất hoặc mức độ cơn co giật tăng lên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, đây là khoảng thời gian căng thẳng đối với tất cả mọi người. Việc lo lắng quá mức sẽ là yếu tố nguy cơ xảy ra cơn động kinh. Bởi vậy, bệnh nhân cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn nếu không may mắc COVID-19.
Có thể giảm nguy cơ COVID-19 ảnh hưởng đến việc phát sinh cơn động kinh bằng cách chăm sóc bản thân. Cố gắng tránh hoặc ngăn chặn các yếu tố kích hoạt động kinh, ví dụ:
-
Hãy hết sức cẩn thận khi dùng thuốc động kinh, không được tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều dùng;
-
Đảm bảo dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ khoa học. Nếu bị nôn hoặc có rối loạn tiêu hóa phải báo ngay với bác sĩ điều trị;
-
Cố gắng ngủ đủ giấc;
-
Uống thuốc hạ sốt. Ban đầu, một số lo ngại được đưa ra rằng Ibuprofen có thể làm cho bệnh COVID-19 trầm trọng hơn (có rất ít dữ liệu về điều này). Để hạ sốt cho bệnh nhân động kinh COVID-19, bác sĩ có thể sử dụng Acetaminophen hoặc Ibuprofen;
-
Điều trị các triệu chứng của COVID-19. Hầu hết các loại thuốc cảm đều có thể được sử dụng. Tránh các loại thuốc cảm lạnh có thành phần Pseudoephedrine (là một loại thuốc tác động vào hệ thần kinh giao cảm) nếu có thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến cơn động kinh ở một số người. Tốt nhất nên có sự chỉ định thuốc từ bác sĩ điều trị;
-
Nếu bệnh nhân mắc COVID-19 và nhận thấy những thay đổi trong cơn động kinh, hãy liên hệ bác sĩ đang theo dõi, điều trị bệnh động kinh của mình để được tư vấn cụ thể.
Điều trị COVID-19 cho bệnh nhân động kinh
Thuốc uống kháng virus
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) vào tháng 12 năm 2021 đối với Nirmatrelvir cùng với Ritonavir (Paxlovid TM) để điều trị nhiễm COVID-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Bác sĩ điều trị sẽ quyết định liệu phương pháp điều trị này có phù hợp với bệnh nhân hay không dựa trên tiền sử bệnh và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Những lưu ý quan trọng đối với những người bị động kinh liên quan đến việc sử dụng Paxlovid bao gồm:
Hiệu quả của Paxlovid giảm đối với những người dùng các thuốc chống động kinh sau: Carbamazepine, Phenobarbital, Phenytoin hoặc Primidone. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên sử dụng một loại thuốc khác để điều trị COVID-19.
Paxlovid có thể làm tăng nồng độ trong máu của nhiều loại thuốc chống động kinh, bao gồm: Cannabidiol, Carbamazepine, Clobazam, Clonazepam, Diazepam, Ethosuximide, Everolimus, Felbamate, Lacosamide, Lamotrigine, Oxcarbazepine, Perampanel, Stiripentol, Tinisagamabine. Những người bị động kinh nên liên hệ với bác sĩ để theo dõi bất kỳ triệu chứng nào có thể cho thấy nồng độ thuốc chống động kinh trong máu cao hơn trong khi điều trị bằng Paxlovid.
FDA cũng đã ban hành EUA cho Molnupiravir (Lagevrio TM) để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình. Thuốc này không có bất kỳ tương tác nào với thuốc chống động kinh và có thể là một thay thế cho Paxlovid. Tuy nhiên, Lagevrio dường như kém hiệu quả hơn trong việc điều trị COVID-19 và không thể sử dụng trong thai kỳ.
Thuốc tiêm tĩnh mạch kháng virus (IV)
FDA đã phê duyệt Remdesivir (Veklury TM) một loại thuốc kháng virus tiêm tĩnh mạch (IV) để điều trị COVID-19 ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên đang nằm viện hoặc chưa nhập viện. Không có dữ liệu về tương tác thuốc chống động kinh với Veklury tại thời điểm này.
Bebtelovimab đã được FDA cấp giấy chứng nhận EUA vào tháng 2 năm 2022 để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Việc sử dụng loại thuốc này được xem xét khi các lựa chọn điều trị khác không thể tiếp cận hoặc không phù hợp về mặt lâm sàng. Ở một số trung tâm y tế, phương pháp này đang được dành riêng cho những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch. Bebtelovimab không được phép sử dụng cho bệnh nhân nhập viện. Hiện tại, không có dữ liệu về tương tác thuốc chống động kinh với Bebtelovimab.
Thuốc y học cổ truyền cho bệnh nhân động kinh mắc COVID-19
Trong công cuộc phòng chống COVID-19, y học cổ truyền đã có nhiều đóng góp giúp đẩy lùi dịch bệnh. Đối với bệnh nhân được
điều trị bệnh động kinh bằng y học cổ truyền (thuốc từ dược liệu tự nhiên, châm cứu hoặc cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt…) có thể trao đổi với thầy thuốc của mình về các phương pháp phòng chống COVID-19. Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 như khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế ra, bệnh nhân có thể nâng cao đề kháng bằng thuốc y học cổ truyền. Thầy thuốc sẽ đưa ra phương thuốc phù hợp để bệnh nhân có thể vừa điều trị bệnh động kinh, vừa tăng miễn dịch phòng nhiễm virus và vừa điều trị COVID-19 nếu không may mắc phải.
Nhà thuốc Thọ Xuân Đường – Kỷ lục Guinness Nhà thuốc gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam đã và đang điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh động kinh bằng y học cổ truyền. Ngoài ra, tại đây cũng có những phương pháp, bài thuốc giúp phòng chống COVID-19. Những chính sách khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng được nhà thuốc áp dụng, đặc biệt là
khám bệnh trực tuyến miễn phí.
Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng bệnh động kinh không làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 và không làm tăng mức độ nghiêm trọng của COVID-19 nếu không may mắc phải. Tuy nhiên, nếu mắc COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và một số thuốc kháng virus lại có những ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chống động kinh. Bởi vậy, đối với bệnh nhân động kinh, ưu tiên hàng đầu là phòng nhiễm COVID-19 và cần liên hệ y tế ngay để có những phương hướng điều trị bệnh kết hợp nếu không may bị mắc COVID-19.
BS. Nguyễn Thùy Ngân