Khi tìm hiểu về bệnh động kinh là gì? Chúng ta có thể bắt gặp những thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến bệnh động kinh. Các thuật ngữ, định nghĩa được đưa ra không phải phổ biến (trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày), thay vào đó tập trung vào bệnh động kinh. Các định nghĩa trước đây đã được chấp nhận trong bảng chú thích năm 2001 của ILAE (bảng phân loại cơn động kinh) đều được giữ lại dùng, ủng hộ cho việc tiếp tục sử dụng các từ này, nhưng ngoài ra cũng có một số thuật ngữ mới được đưa ra.
Cơn vắng ý thức điển hình
Một khởi phát đột ngột, gián đoạn của các hoạt động đang diễn ra, nhìn trống rỗng, có thể có lệch mắt lên trên rất nhanh. Thông thường nói chuyện bệnh nhân sẽ không phản ứng. Cơn kéo dài vài giây đến nửa phút và hồi phục rất nhanh. Điện não đồ (EEG) biểu hiện phóng điện dạng động kinh toàn thể. Cơn vắng ý thức được định nghĩa một cơn động kinh khởi phát toàn thể. Từ này không đồng nghĩa với nhìn trống rỗng, nhìn trống rỗng cũng có thể gặp trong những cơn khởi phát cục bộ.
Cơn vắng ý thức không điển hình
Cơn vắng ý thức với những thay đổi tư thế rõ rệt hơn trong cơn vắng ý thức điển hình hoặc khởi phát và/hoặc chấm dứt không đột ngột, thường kết hợp với hoạt động gai sóng toàn thể, chậm, không đều.
Ngừng hoạt động
Tạm dừng các hoạt động, đóng băng, cố định, như trong cơn ngưng hoạt động. Cơn ngưng hoạt động cục bộ biểu hiện ngưng hoạt động như đặc điểm nổi bật của toàn bộ cơn động kinh.
Cơn mất trương lực
Mất hoặc giảm trương lực cơ đột ngột mà không có biểu hiện co giật hay co cứng kéo dài khoảng 1 – 2 giây trước đó, liên quan đến đầu, thân, hàm hoặc chi.
Vận động tự động
Một hoạt động vận động phối hợp thêm hoặc bớt thường xảy ra khi có suy giảm nhận thức và bệnh nhân thường không nhớ sau đó (nhưng không phải luôn luôn như thế). Điều này giống như một cử động tự ý và có thể bao gồm sự tiếp tục hoạt động trước cơn một cách không phù hợp.
Cơn thần kinh tự chủ
Một sự thay đổi rõ rệt của chức năng hệ thần kinh tự chủ liên quan đến tim mạch, đồng tử, đường tiêu hóa, tiết mồ hôi, vận mạch và điều chỉnh nhiệt độ.
Aura
Một hiện tượng chủ quan trong cơn, có thể có trước một cơn động kinh quan sát được ở một bệnh nhân nhất định (sử dụng phổ biến).
Ý thức
Nhận biết về bản thân hoặc môi trường.
Một trạng thái của ý nghĩ với cả hai khía cạnh chủ quan và khách quan, bao gồm ý thức bản thân như một thực thể duy nhất, ý thức, phản hồi và bộ nhớ.
Hai bên
Cả hai bên trái và phải, mặc dù biểu hiện co giật hai bên có thể đối xứng hoặc không đối xứng.
Co giật
Giật, đối xứng hoặc không đối xứng, lặp lại thường xuyên và liên quan đến những nhóm cơ giống nhau.
Nhận thức
Liên quan đến suy nghĩ và các chức năng vỏ não cao cấp. Ví dụ như ngôn ngữ, nhận thức về không gian, trí nhớ và thói quen. Thuật ngữ sử dụng trước đây là loại co giật tâm linh.
Cơn khóc
Bật khóc, có thể có hoặc không liên quan đến nỗi buồn.
Cơn cười
Bật cười hoặc cười khúc khích, thường không có âm điệu phù hợp.
Loạn trương lực
Các cơn co thắt kéo dài của cả hai cơ đồng vận và đối vận tạo ra múa vờn hoặc vặn xoắn, có thể tạo ra những tư thế bất thường.
Cơn cảm xúc
Cơn biểu hiện bằng cảm xúc hoặc cảm xúc là một đặc điểm nổi bật, như sợ hãi, niềm vui tự phát hay hưng phấn, cười hoặc khóc.
Co thắt dạng động kinh
Một sự uốn cong, duỗi ra, hoặc uốn duỗi kết hợp của các cơ chủ yếu cơ trục thân và đoạn gần thường kéo dài hơn so với cơn giật cơ nhưng không dài như cơn co cứng. Các dạng hạn chế có thể xảy ra: Nhăn mặt, gật đầu hoặc chuyển động mắt nhanh. Co thắt động kinh thường xảy ra thành cụm. Co thắt trẻ sơ sinh là cơn được mô tả nhiều nhất, nhưng co thắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Một bệnh của não được xác định bởi bất kỳ tiêu chuẩn nào sau đây:
(1) Có ít nhất hai cơn tự phát xảy ra cách nhau >24 giờ;
(2) Một cơn tự phát và khả năng tái phát các cơn tương tự (ít nhất 60%) xảy ra trong 10 năm tới;
(3) Chẩn đoán hội chứng động kinh. Chẩn đoán bệnh động kinh nên được xem xét lại với những người có hội chứng động kinh phụ thuộc vào tuổi nhưng đã qua tuổi áp dụng hoặc những người không cơn động kinh trong 10 năm qua mà không sử dụng thuốc chống co giật trong 5 năm qua.
Co giật mí mắt
Giật mí mắt ít nhất 3 lần/giây, với mắt lệch hướng lên, thường kéo dài <10 s, kết thúc là bệnh nhân nhắm mắt. Có thể có hoặc không mất ý thức ngắn.
Tư thế đấu kiếm (fencer)
Một loại cơn cục bộ vận động với duỗi một cánh tay và gấp ở khuỷu tay và cổ tay đối bên, giống như đấu kiếm. Đây còn được gọi là cơn động kinh vùng vận động phụ.
Co giật hình số 4
Duỗi ra của cánh tay (thường đối bên với vùng sinh động kinh) và gấp lại khuỷu tay bên kia, tạo thành hình số 4.
Cục bộ
Có nguồn gốc giới hạn ở một bán cầu. Chúng có thể khu trú rời rạc hoặc phân bố lan rộng. Cơn cục bộ có thể bắt nguồn từ cấu trúc dưới vỏ.
Cơn cục bộ lan co cứng co giật hai bên
Một loại cơn với sự khởi phát cục bộ, còn hoặc suy giảm ý thức, vận động hay không vận động, diễn tiến thành co cứng co giật hai bên. Thuật ngữ trước đây là động kinh với khởi phát một phần toàn thể hóa thứ phát.
Toàn thể
Có nguồn gốc từ một số điểm và nhanh chóng lan ra mạng lưới phân bố hai bên.
Co cứng co giật toàn thể
Cơn co cứng đối xứng hai bên hoặc đôi khi không đối xứng và sau đó co giật hai bên các cơ vân, thường có hiện tượng tự động và mất nhận thức. Những cơn này tạo thành mạng lưới ở cả hai bán cầu khi bắt đầu cơn co giật.
Ảo giác
Sự tạo ra những cảm nhận kết hợp mà không có các kích thích bên ngoài tương ứng gồm ảo thị, ảo thính, cảm giác thân thể, ảo khứu, và / hoặc ảo vị. Ví dụ: “Nghe” và “nhìn thấy” mọi người nói.
Ngưng hoạt động
Tạm dừng các hoạt động, đóng băng, cố định, như trong cơn ngưng hoạt động.
Giảm ý thức
Giảm hoặc mất ý thức là một đặc điểm của cơn cục bộ có suy giảm ý thức, trước đây được gọi là cơn từng phần phức tạp.
Đạo trình Jackson
Thuật ngữ truyền thống chỉ sự lan truyền của cơn co giật qua các bộ phận tiếp giáp của cơ thể ở một bên.
Vận động
Liên quan đến cơ. Vận động có thể bao gồm tăng hoặc giảm co cơ để tạo ra chuyển động.
Giật cơ
Đột ngột, ngắn gọn (<100 msec), co một hoặc nhiều cơ hoặc nhóm cơ một cách không tự chủ (cơ trục, phần gần, xa của chi). Giật cơ ít lặp đi lặp lại và ít kéo dài hơn so với co giật.
Giật cơ – mất trương lực
Một loại cơn toàn thể với cơn giật cơ dẫn đến cơn mất trương lực. Loại này trước đây được gọi là động kinh giật cơ - mất đứng.
Giật cơ – co cứng – co giật
Một hoặc vài động tác giật chi hai bên, theo sau là một cơn co cứng co giật. Các động tác giật chi ban đầu có thể là co giật hoặc giật cơ ngắn. Động kinh với đặc điểm này thường phổ biến trong động kinh giật cơ tuổi thiếu niên.
Không vận động
Những loại cơn cục bộ hay toàn thể trong đó hoạt động vận động không nổi bật.
Lan truyền
Lan truyền của hoạt động động kinh từ một nơi trong não đến nơi khác, hoặc kết nối thành mạng lưới trong não.
Đáp ứng
Khả năng phản ứng thích hợp bằng chuyển động hoặc lời nói với một kích thích.
Cơn động kinh
Một sự xuất hiện thoáng qua của các dấu hiệu và / hoặc triệu chứng do hoạt động thần kinh đồng bộ hoặc quá mức một cách bất thường trong não.
Cơn cảm giác
Một trải nghiệm giác quan không do kích thích phù hợp từ thế giới bên ngoài.
Cơn co cứng
Sự tăng co cơ liên tục kéo dài từ vài giây đến vài phút.
Co cứng – co giật
Một chuỗi bao gồm một cơn co cứng theo sau bởi giai đoạn co giật.
Cơn xoay
Xoay đầu, mắt và / hoặc thân mình liên tục hoặc lệch sang bên từ đường giữa.
Không nhận thức
Thuật ngữ không nhận thức có thể sử dụng như viết tắt của nhận thức bị suy giảm.
Chưa phân loại
Đề cập đến một loại co giật không được mô tả bởi phân loại ILAE 2017 vì thông tin không đầy đủ hoặc các đặc điểm lâm sàng ít gặp. Nếu cơn động kinh không được phân loại vì khởi phát không xác định, phân loại giới hạn vẫn có thể suy ra từ các đặc điểm quan sát được.
Không đáp ứng
Không thể đáp ứng thích hợp bằng chuyển động hoặc lời nói với kích thích.
Trên đây là các thuật ngữ liên quan đến
bệnh động kinh. Chúng ta vẫn có thể bắt gặp các cụm từ khác trong tài liệu y khoa. Những định nghĩa, thuật ngữ trên được tham khảo trong tài liệu “Instruction manual for the ILAE 2017 operational classification of seizure types” của Liên hội chống động kinh quốc tế (ILAE). Mục đích của tài liệu này là giới thiệu bảng phân loại động kinh 2017 của ILAE đồng thời hướng dẫn cách sử dụng bảng phân loại, được minh hoạ bởi các bảng tóm tắt, chú giải những thuật ngữ quan trọng, lí giải lí do dùng những tên mới thay vì dùng các danh từ cũ, đề nghị thêm các từ viết tắt cho ngắn gọn, và đưa ra một số ví dụ. Khuyến khích người dùng (các y bác sĩ) phân loại thêm các mô tả chi tiết cơn động kinh. Theo thời gian, sự đồng thuận sẽ rõ ràng hơn đối với các loại cơn động kinh đại diện cho những nhóm triệu chứng quan trọng. Kinh nghiệm trong quá khứ dự báo việc áp dụng dần dần phân loại mới, cùng với việc sử dụng tạm thời các thuật ngữ từ nhiều thế hệ phân loại trước đó.
Việc kết nối các thuật ngữ cũ với thuật ngữ mới có thể giúp làm quen với các thuật ngữ mới; giúp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các loại cơn động kinh giữa bác sĩ lâm sàng, cộng đồng đại chúng và các nhà nghiên cứu. Các phân loại thực nghiệm trong tương lai sẽ được phát triển cho đến khi kiến thức đủ để xây dựng một phân loại dựa trên những kiến thức cơ bản để có những phân loại động kinh khác nhau.
BS. Nguyễn Thùy Ngân