Rối loạn tâm trạng là vấn đề thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh động kinh. Vậy bệnh động kinh có liên quan gì đến tâm trạng và hành vi? Chúng ta cùng tìm hiểu thông tin này.
Rối loạn tâm trạng ở bệnh nhân động kinh
Nhiều người bị
bệnh động kinh đã phải trải qua những thay đổi bất thường trong cảm xúc của họ, mối liên hệ giữa rối loạn tâm trạng và bệnh động kinh đã được quan sát trong hơn 2 thế kỷ qua. Nhưng trong những năm gần đây, mối liên hệ này mới được hiểu rõ hơn.
Rối loạn tâm trạng ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân động kinh?
Rối loạn tâm trạng ở những người bị động kinh có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Những cảm giác này có thể xuất hiện hầu hết thời gian, hoặc xuất hiện ngay trước, trong hoặc sau cơn động kinh. Một số người trở nên trầm cảm, những người khác có thể cáu kỉnh, bực tức.
Các rối loạn tâm trạng phổ biến nhất ở những người bị động kinh là trầm cảm và rối loạn nhịp tim. Một số người mắc các dạng trầm cảm nhẹ hơn cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và đáp ứng với điều trị.
Lo lắng, về mặt chuyên môn không phải là một rối loạn tâm trạng, nhưng đây là một cảm xúc phổ biến xảy ra thường xuyên hơn ở những người bị động kinh.
Để cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bệnh động kinh, điều quan trọng là người bệnh, gia đình và người chăm sóc của họ phải làm quen với các rối loạn tâm trạng thường gặp.
Thuốc chống động kinh ảnh hưởng thế nào đến tâm trạng?
Mục tiêu chính của
điều trị động kinh là kiểm soát (và lý tưởng nhất là thoát khỏi) các cơn động kinh. Đồng thời, điều quan trọng là phải chú ý đến các loại thuốc điều trị động kinh ảnh hưởng đến tâm trạng và cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân như thế nào.
Thuốc điều trị động kinh có tác dụng tốt trong việc kiểm soát các cơn co giật, nhưng lại ảnh hưởng đến tâm trạng của bệnh nhân hoặc làm phiền bạn theo những cách khác. Bệnh nhân có thể cần thay đổi loại thuốc để tìm một loại thuốc không gây ra những tác dụng phụ này. Hãy nhớ rằng, tác dụng phụ có thể tốt hoặc xấu. Một số loại thuốc có thể cải thiện tâm trạng, trong khi một số loại thuốc khác có thể làm trầm trọng thêm.
Cảm xúc và tâm trạng được kết nối rõ ràng với một phần cụ thể của não, vùng limbic. Khu vực này thường xuyên xảy ra động kinh và hoạt động giống như động kinh. Thuốc chống động kinh cố gắng ngăn chặn cơn co giật bằng cách thay đổi hoạt động của các tế bào trong phần đó của não, nhưng sau đó chúng cũng có thể ảnh hưởng đến những thứ khác mà các tế bào đó chịu trách nhiệm, chẳng hạn như tâm trạng và cảm xúc.
Các loại thuốc động kinh khác nhau hoạt động trên các chất hóa học hoặc chất dẫn truyền thần kinh khác nhau trong não. Tâm trạng và hành vi của bệnh nhân cũng có cơ sở hóa học, vì vậy chúng có thể bị ảnh hưởng nếu loại thuốc bệnh nhân đang dùng có tác dụng với cùng một loại hóa chất. Một loại thuốc khác hoạt động trên các hóa chất khác nhau có thể sẽ không có tác dụng giống nhau.
Thông thường, các tác dụng phụ sẽ xảy ra hoặc nặng hơn do lượng thuốc bệnh nhân uống tăng quá nhanh hoặc nồng độ thuốc trong máu quá cao. Nếu nhận thấy những thay đổi trong tâm trạng khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới, bệnh nhân cần phải trao đổi ngay với thầy thuốc điều trị động kinh để điều chỉnh liều sao cho phù hợp.
Các cá nhân phản ứng với thuốc theo những cách khác nhau. Thầy thuốc không thể biết những tác dụng phụ nào (nếu có) chắc chắn sẽ xuất hiện khi bệnh nhân được cho một loại thuốc cụ thể. Một loại hoạt động tốt và không có tác dụng phụ đối với người này có thể có tác dụng rất tiêu cực đối với người khác.
Các tác dụng phụ liên quan đến hành vi và tâm trạng thường gặp bao gồm cải thiện hoặc xấu đi tâm trạng, giảm khả năng tập trung, khó chịu hơn và tăng động.
Một số loại thuốc có thể làm thay đổi tâm trạng:
-
Cải thiện tâm trạng: Neurontin, Lamictal, Topamax, Depakote;
-
Tăng các triệu chứng trầm cảm: Sabril, Gabitril, Zonegran, Phenobarbital, Mysoline, Keppra;
-
Tăng lo lắng: Felbatol, Keppra;
-
Tăng sự bực tức, cáu bẳn: Neurontin, Zonegran, Keppra;
-
Hành vi loạn thần: Sabril, Zonegran, Potiga, Fycompa.
Một vài loại trong số các loại thuốc chống co giật này (đặc biệt là Sabril và Felbatol) không được sử dụng thường xuyên vì các tác dụng phụ nghiêm trọng đã xảy ra ở một số bệnh nhân đã sử dụng.
Nhận biết rối loạn tâm trạng ở bệnh nhân động kinh và khi nào cần phải điều trị?
Nhiều bệnh nhân động kinh có thể bị rối loạn tâm trạng nếu cảm thấy lo lắng, chán nản, cáu kỉnh hoặc có cảm giác sợ hãi, hoảng sợ hoặc đau đớn mà không dễ giải thích được. Học cách nhận biết các rối loạn tâm trạng, hậu quả tiềm ẩn của các rối loạn tâm trạng nếu không được điều trị và cách trao đổi với thầy thuốc điều trị về các triệu chứng có thể xảy ra.
Hầu hết những bệnh nhân động kinh đều trải qua một số cảm giác lo lắng, cáu kỉnh hoặc trầm cảm. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này kéo dài, nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến các mối quan hệ hoặc công việc của bệnh nhâ, thì cần phải được điều trị.
Bắt đầu bằng cách nói với thầy thuốc điều trị động kinh về cảm giác, tâm trạng mà bệnh nhân gặp phải. Cung cấp các thông tin về tần suất xuất hiện của những triệu chứng này, cảm thấy thế nào và kéo dài bao lâu.
Các thầy thuốc sẽ xem xét những triệu chứng này có thể liên quan đến bệnh động kinh hay không và phải làm gì với chúng, có cần thay đổi kế hoạch điều trị hay không?
Phương pháp điều trị rối loạn tâm trạng cho bệnh nhân động kinh
Nhiều phương pháp điều trị cho các rối loạn tâm trạng. Liệu pháp tâm lý và thuốc là phương pháp điều trị chính, có thể được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp.
Thuốc chống trầm cảm
Phương pháp điều trị bằng thuốc phổ biến nhất được gọi là thuốc chống trầm cảm. Thầy thuốc có thể kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Điều quan trọng cần nhớ là các loại thuốc điều trị rối loạn tâm trạng có thể cần điều chỉnh liều lượng và có thể mất vài tuần trước khi có hiệu quả hoàn toàn. Đôi khi có thể cần thử nhiều hơn một loại thuốc chống trầm cảm trước khi có kết quả tốt. Đối với hầu hết những người bị động kinh, các triệu chứng trầm cảm thường phản ứng rất tốt với liều lượng thuốc thấp.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là một phần quan trọng trong điều trị rối loạn tâm trạng cho bệnh nhân động kinh. Một số cách tư vấn tâm lý có thể tham khảo như sau:
-
Liệu pháp tâm lý truyền thống giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc về cảm xúc của họ, điều gì có thể gây ra chúng và cách thay đổi;
-
Liệu pháp tâm lý bao gồm giáo dục bệnh nhân và gia đình về tâm trạng, hành vi và cách giải quyết những vấn đề này;
-
Liệu pháp gia đình liên quan đến cá nhân, gia đình của bệnh nhân và giúp xem xét các vấn đề gia đình, các mối quan hệ có thể bị ảnh hưởng hoặc góp phần vào các vấn đề tâm trạng;
-
Liệu pháp hành vi nhận thức giúp bệnh nhân hiểu và học cách suy nghĩ mới về các vấn đề của họ, đồng thời thay đổi cách họ phản ứng hoặc đối phó với tình huống hoặc vấn đề hiện tại.
Liệu pháp nhận thức hành vi
Kể từ khi phương pháp trị liệu này bắt đầu vào đầu những năm 1960, nó đã trở thành một cách để giúp mọi người vượt qua nhiều vấn đề khác nhau. Phương pháp này đã được chứng minh là làm giảm trầm cảm, lo lắng hoặc tức giận ở một số người bị động kinh. Liệu pháp nhận thức hành vi dựa trên niềm tin rằng suy nghĩ hướng dẫn cảm xúc và hành động. Vì vậy, nếu bệnh nhân muốn quản lý cảm xúc và thay đổi hành động của mình, trước tiên phải tập trung vào việc thay đổi cách suy nghĩ. Bằng cách tập trung vào suy nghĩ của bản thân thay vì các sự kiện bên ngoài hoặc người khác, bệnh nhân có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với sự tiến bộ của mình và có nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống hơn.
Bệnh nhân có thể được tham gia các buổi trị liệu tại cơ sở điều trị bệnh hoặc được thầy thuốc hướng dẫn trị liệu tại nhà. Thầy thuốc sẽ giúp người bệnh cảm nhận thấy cảm giác tiêu cực chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn và gây ra nhiều vấn đề hơn. Thầy thuốc sẽ đề xuất những phương pháp đối phó với những tình huống khó khăn và sẽ chỉ cho người bệnh cách thức và lý do tại sao tâm trạng của họ đang tiến bộ. Bằng cách này, bệnh nhân có thể tiếp tục tiến trình của mình sau khi liệu pháp chính thức kết thúc.
Tìm hiểu thông tin về bệnh động kinh có thể giúp ích cho bệnh nhân và gia đình theo nhiều cách. Một nghiên cứu cho thấy những người được giáo dục về bệnh động kinh cho thấy những người này hiểu biết nhiều hơn, ít sợ hãi hơn về các cơn động kinh và tuân thủ y lệnh điều trị hơn.
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng
trẻ em bị động kinh được giáo dục về căn bệnh này sẽ có những hành vi tốt hơn, thấy bản thân có khả năng xã hội tốt hơn và tham gia vào các hoạt động bình thường hơn những đứa trẻ bị động kinh không được giáo dục về nó. Cha mẹ có con bị động kinh cảm thấy bớt lo lắng hơn sau khi được giáo dục về bệnh động kinh.
Liệu pháp thư giãn
Ai cũng biết rằng căng thẳng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến ngủ không ngon giấc, thay đổi nồng độ hormone và co giật. Mục tiêu của liệu pháp thư giãn là giảm phản ứng của bệnh nhân với căng thẳng trong cuộc sống. Trong số nhiều loại liệu pháp thư giãn là:
-
Massage;
-
Châm cứu;
-
Trị liệu thư giãn an thần (xông ngâm thảo dược, xoa bóp bấm huyệt, chườm thảo dược…);
-
Thiền định;
-
Luyện thở sâu.
Các liệu pháp thư giãn đã được sử dụng trong
y học cổ truyền phương Đông trong nhiều thế kỷ, nhưng y học phương Tây mới chỉ bắt đầu khám phá tác động của chúng đối với bệnh động kinh và các bệnh mãn tính khác.
Các liệu pháp khác
Thư giãn, liệu pháp hành vi nhận thức, phản hồi sinh học và tư vấn tâm lý có thể được kết hợp trong một chương trình hay khóa học dành cho bệnh nhân động kinh.
Nhiều loại liệu pháp khác có thể hữu ích cho bệnh nhân động kinh như các liệu pháp nghệ thuật sáng tạo (âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật thủ công…). Sử dụng các phương pháp sáng tạo để thúc đẩy sự tự thể hiện, nhận thức về bản thân và giúp thay đổi cá nhân dễ dàng hơn. Mục đích không phải là tạo ra một kiệt tác, mà là để tìm ra lối thoát để giải tỏa căng thẳng và cảm xúc. Liệu pháp thú cưng thường được sử dụng cho người cao tuổi, người trầm cảm…, con vật thân thiện (cún, mèo, thỏ…) chắc chắn sẽ nâng cao tinh thần của hầu hết mọi người.
Hiệu quả của các phương pháp trị liệu cải thiện tinh thần và tâm trạng khác nhau ở mỗi người. Những gì hiệu quả với người này có thể không giúp ích cho người khác, và ngược lại. Sự kết hợp giữa thư giãn và sửa đổi hành vi đã làm giảm sự lo lắng ở một số bệnh nhân và giúp họ điều chỉnh các tình huống ở nhà, trường học và xã hội. Một số loại liệu pháp thậm chí còn giúp giảm tần suất co giật trong khi chúng cải thiện tâm trạng và hành vi.
BS. Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)