Quản lý, kiểm soát căng thẳng là rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh động kinh. Điều này giúp cho người bệnh cảm giác hạnh phúc, cải thiện các mối quan hệ xã hội và nâng cao tâm trạng của người bệnh, từ đó nâng cao được chất lượng cuộc sống. Người bệnh cần kiểm soát căng thẳng để kiểm soát bệnh động kinh.
Một nghiên cứu gần đây đã báo cáo rằng những người bị
động kinh sử dụng một số phương pháp giúp quản lý căng thẳng để kiểm soát cơn động kinh của họ có hiệu quả. Kiểm soát căng thẳng cũng rất quan trọng đối với gia đình và người chăm sóc để họ có thể giữ sức khỏe và sẵn sàng về mặt tinh thần để hỗ trợ người bệnh.
Mặc dù việc quản lý, kiểm soát căng thẳng là riêng đối với mỗi người, nhưng có một số chiến lược đối phó đã được chứng minh là có hiệu quả đối với hầu hết mọi người.
Người bệnh động kinh có thể làm gì để quản lý căng thẳng?
Đánh giá căng thẳng của người bệnh động kinh
-
Nghiên cứu các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống của người bệnh. Bắt đầu bằng cách theo dõi sự căng thẳng của người bệnh. Khi nào người bệnh nhận thấy nó? Người bệnh có thường xuyên trải qua các dấu hiệu căng thẳng không? Người bệnh làm gì khi người bệnh cảm thấy căng thẳng? Làm thế nào để người bệnh thường đối phó với căng thẳng?
-
Xử lý những gì có thể xảy ra trong cuộc sống của người bệnh. Nếu người bệnh cảm thấy tức giận, lo lắng hoặc chán nản về những người hoặc tình huống trong cuộc sống của mình, hãy cho người bệnh đọc những bài viết truyền động lực ở báo, tạp chí để có thể giúp người bệnh hiểu được những cảm xúc này. Người bệnh có thể hiểu rõ hơn và tìm ra những cách tốt hơn để đối phó.
-
Theo dõi tâm trạng và căng thẳng của người bệnh trong Nhật ký động kinh. Điều này có thể giúp người bệnh nhìn thấy các mô hình co giật.
Sử dụng chiến lược nhận thức
-
Tránh mặt: Tránh những người hoặc tình huống mà người bệnh biết sẽ gây ra căng thẳng trong cuộc sống. Nếu không thể tránh khỏi, hãy xem xét thay đổi cách tiếp cận và phản ứng của người bệnh. Điều này có thể làm dịu tình hình và cảm giác của người bệnh.
-
Thư giãn: Tìm cách thư giãn bằng cách tham gia luyện tập thiền định hoặc chánh niệm. Sử dụng các kỹ thuật thở thư giãn để loại bỏ căng thẳng.
-
Luyện thở: Tập thở dưỡng sinh 4 thì, 6 thì, quy tức (tùy chọn) … để điều hòa tâm trạng. Thời gian có thể cho người bệnh cơ hội suy nghĩ khách quan hơn và không phản ứng thái quá.
-
Quản lý thời gian của người bệnh: Một thói quen hàng ngày có thể giúp người bệnh quản lý nhiều nhu cầu về thời gian của mình. Đặt ưu tiên, tăng tốc bản thân và tránh trì hoãn để người bệnh không bị vội vàng. Tìm thời gian để làm những việc mình thích mà không chỉ những việc “phải làm”.
-
Sử dụng các kỹ thuật tư duy tích cực: Ly nước cuộc sống của chúng ta đầy một nửa hay cạn một nửa? Thực hành lật đồng hồ cát và xem điều này có mang lại cho người bệnh một góc nhìn khác không. Tìm sự lạc quan (lớp vỏ bạc) trong hoàn cảnh căng thẳng. Ví dụ, một số tình huống tiêu cực có thể giúp người bệnh học hỏi hoặc cải thiện.
-
Học tập: Đọc hoặc xem video về quản lý căng thẳng và khám phá những cách đối phó mới.
-
Hãy chúc mừng chính mình: Tìm cách để xem sự tiến bộ của bản thân. Cần nỗ lực để thay đổi những thói quen cũ, nhưng khi người bệnh làm vậy, hãy dành một phút để đánh giá thành công của mình và khen ngợi bản thân.
Sử dụng chiến lược vật lý
-
Tập thể dục: Người bệnh cần tập luyện hoạt động thể chất hàng ngày. Tìm bài tập phù hợp với người bệnh như đi bộ, thể thao, yoga, thái cực quyền hoặc làm vườn. Tập thể dục đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe không chỉ đối với căng thẳng mà còn cả tâm trạng, giấc ngủ và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
-
Ngủ ngon và đủ giấc: Cơ thể chúng ta cần tái tạo năng lượng hàng ngày. Nó phục hồi từ tất cả các yêu cầu về thời gian và năng lượng thông qua giấc ngủ. Cả giấc ngủ chất lượng và đủ giấc đều quan trọng.
-
Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe: Thực phẩm bổ dưỡng sẽ cung cấp cho người bệnh năng lượng. Quá nhiều đường, rượu hoặc thực phẩm chế biến không tốt cho người bệnh. Tìm cách xây dựng thực đơn với các thực phẩm bổ dưỡng hơn cho chế độ ăn uống của người bệnh.
-
Nghe nhạc: Điều này có thể làm dịu tinh thần, giúp tinh thần vui tươi và gây mất tập trung vào những sự kiện gây căng thẳng.
-
Tắm: Tắm nước ấm với thảo dược có thể giúp giải tỏa căng thẳng. Những người bị co giật không kiểm soát được nên tắm vòi sen thay vì tắm bồn.
-
Chơi một số môn nghệ thuật: Trình độ kỹ năng không thành vấn đề! Phác thảo, hội họa, đồ gốm, đồ thủ công, tô màu, đàn, sáo… là những loại hình nghệ thuật có thể chọn tùy thuộc vào sở thích của người bệnh.
-
Trị liệu xoa bóp bấm huyệt: Trị liệu toàn thân với phương pháp xoa bóp bấm huyệt giúp thư giãn, giảm sự căng thẳng được lưu trữ trong cơ thể người bệnh.
-
Hít thở không khí trong lành tự nhiên: Hãy nghỉ ngơi trong sân vườn và tận hưởng ánh nắng mặt trời! Kết nối với thiên nhiên đã chứng minh những lợi ích giúp người bệnh cảm thấy hạnh phúc và bình tĩnh hơn. Ngắm cây cối, trời mây, chim bay bướm lượn cũng là những ý tưởng tốt.
Sử dụng chiến lược cảm xúc
-
Nụ cười: Ngay cả khi người bệnh không cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ thấy rằng nụ cười giúp mình được thư giãn và có thể dẫn đến phản ứng tích cực từ những người xung quanh.
-
Quản lý sự tức giận của người bệnh: Tham gia các lớp học hoặc đọc về quản lý cơn giận và giải quyết xung đột. Cân nhắc sự trợ giúp của chuyên gia nếu sự tức giận đang cản trở các mối quan hệ của người bệnh.
-
Tham gia vào các hoạt động thú vị và làm dịu căng thẳng: Lập danh sách những điều người bệnh thích, giúp giảm căng thẳng và cố gắng thực hiện chúng thường xuyên.
-
Tìm sự hỗ trợ: Tìm đến một thành viên gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp để được hỗ trợ, điều này sẽ giúp người bệnh yên tâm và có thể có những gợi ý hữu ích mới đối với người bệnh.
Tìm kiếm thêm trợ giúp để giải tỏa căng thẳng ở người bệnh động kinh
-
Nói về cảm giác của bản thân và mức độ không thể đoán trước của các cơn động kinh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
-
Tìm kiếm sự giúp đỡ. Tư vấn từ một nhà trị liệu sức khỏe tâm thần có thể giáo dục và dạy người bệnh về quản lý căng thẳng. Một cố vấn có thể giúp người bệnh giải quyết những vấn đề có thể khiến căng thẳng, chẳng hạn như những khó khăn trong hôn nhân hoặc những lo lắng về con cái hoặc công việc của người bệnh.
-
Kiểm soát cơn động kinh tốt nhất có thể: Lựa chọn cơ sở điều trị động kinh uy tín, tuân thủ điều trị theo y lệnh của bác sĩ.
-
Tham gia cộng đồng động kinh: Tham gia các diễn đàn và trò chuyện trên các hội nhóm trên mạng xã hội liên quan đến sức khỏe và bệnh động kinh. Người bệnh sẽ tìm thấy những người có bệnh cảnh tương tự, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cảm xúc, căng thẳng và kiểm soát bệnh động kinh.
Việc tự quản lý căng thẳng cũng như bệnh động kinh đòi hỏi sự hợp tác tích cực giữa người bệnh, gia đình hoặc bạn bè của họ và các bác sĩ điều trị. Mỗi người đóng một vai trò quan trọng trong việc tự kiểm soát bệnh động kinh.
BS. Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)