Trẻ em dưới 5 tuổi thường gặp các chứng co giật và động kinh (2-5% trẻ đưới 5 tuổi đã từng co giật một hoặc nhiều lần). Đây là một tình trạng cấp cứu với nguyên nhân phong phú, hình thức lâm sàng đa dạng. Theo y học cổ truyền, bệnh thuộc phạm vi các chứng kinh phong, kinh giản.
• Nguyên nhân
Bệnh động kinh trẻ em có thể là vô căn hoặc do nhiều nguyên nhân gây ra.
Động kinh hoặc co giật do tổn thương não-màng não:
- Viêm màng não mủ cấp tính;
- Viêm não:
+ Viêm não tiên phát do virus như viêm não Nhật Bản, do vi khuẩn, lao;
+ Viêm não thứ phát của các bệnh sởi, thuỷ đậu, rubela, quai bị, ho gà, sau tiêm chủng (thường gặp ở trẻ > 4 tuổi);
- U não, áp xe não: Khoảng 50% bệnh nhân u não có động kinh, ngược lại khoảng 10% bệnh nhân động kinh có u não;
- Chấn thương sọ não: Hay gặp trong chấn thương sọ não hở (6,8-10%);
- Tai biến mạch máu não;
- Một số bệnh ít gặp: Ấu trùng sán gạo lợn khu trú ở não;
Co giật do rối loạn chức năng não:
- Rối loạn chuyển hoá: Hạ đường huyết, hạ calci huyết, thiếu pyridoxin (vitamin B6), rối loạn nước - điện giải...;
- Các bệnh nội khoa: Suy tim, suy thận, ure huyết cao...;
- Ngộ độc: Sản phẩm gia đình, thuốc (long não, theophylin, strychnin, piperazin, tình đầu giun, chất gây co mạnh dùng nhỏ mũi...);
- Co giật ở giai đoạn cuối các bệnh nhiễm trùng nặng, suy kiệt;
- Co giật trong các bệnh toàn thân: Cảm nặng, bỏng...
- Xuất huyết não-màng não: Thường gặp ở trẻ mới đẻ hoặc đẻ non cho tới 40-50 ngày tuổi. Nguyên nhân: cơ địa chảy máu, dị dạng mạch máu não phát triển quá nhanh, nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
- Co giật do sốt cao: Là những cơn co giật toàn bộ xảy ra trong một bệnh cấp tính có sốt (loại trừ các bệnh nhiễm trùng thần kinh), phần lớn lành tính. 90% do nhiễm virus đường hô hấp trên. Thường gặp ở trẻ dưới 18 tháng, khi sốt > 39°C, nhất là khi sốt tăng cao đột ngột. Khoảng 10% có tiền sử gia đình.
- Khóc lặng: Hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, thần kinh yếu, được chiều. Bệnh sẽ khỏi khi trẻ trên 9 tuổi.
• Xử trí và chăm sóc
Khi trẻ em bị co giật hoặc lên cơn động kinh cần phải xử lý và chăm sóc đúng cách.
- Nằm yên tránh kích thích. Nới rộng quần áo. Không cho ăn, nếu cơn kéo dài cho ăn qua ống thông.
- Đặt đầu nghiêng, nhét gạc giữa hai hàm răng tránh cắn phải lưỡi.
- Thở oxy, hút đờm dãi.
- Valium tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm, tuỳ bệnh nhân. Sau hai giờ nếu cần có thể thay bằng: phenobarbital 4-6mg/kg x 8 giờ/lần
- Chống phù não, điều trị nguyên nhân.
2. Bệnh động kinh trẻ em theo y học cổ truyền
Theo
y học cổ truyền, co giật, động kinh ở trẻ em thuộc phạm vi chứng kinh phong, kinh giản.
• Chủ chứng
Co giật nhiều lần, lơ mơ, thường gặp ở trẻ em. Chứng này thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ em khí huyết chưa mạnh, thần khí chưa đủ. Ngoài gặp phải phong tà, kinh sợ, trong vì ăn uống tích trệ, thường dễ phát sinh chứng này. Chứng kinh phong biến hoá rất nhanh, là một chứng trạng nguy cấp trong nhi khoa.
Trước đời Bắc Tống, bệnh thuộc chứng giản (động kinh). Đến đời Tống, lập luận đầu tiên của Tiển Ất lấy “tâm chủ kinh, can chủ phong” sáng lập ra bệnh danh kinh phong, chia thành hai loại cấp kinh và mạn kinh.
Co giật xuất hiện trong cả cấp và mạn kinh, nhưng mức độ mạnh yếu khác nhau. Dựa vào nguyên lý “dương động mà nhanh, âm tĩnh mà chậm”, hễ bnh phát nhanh chóng, thuộc dương thực nhiệt là cấp hình phong; bệnh lâu ngày, bên trong đã hư, hình chứng bất túc, thuộc âm hư hàn là mạn kinh phong.
• Biện chứng luận trị
Kinh phong là bệnh ở can, nhưng cũng là bệnh ở tâm, phế, tỳ, thận.
Vì trẻ em chân âm chưa đủ, nhu không giúp được cương, can tà dễ động. Can tà động, mộc can sinh hoả, hoả can sinh phong. Phong nhiệt kết hợp với nhau làm huyết, làm cân căng, uốn ngược, co giật, cứng đờ, đều là bản mệnh của can mộc. Kinh đởm kẹp hai bên đầu có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho cơ thể. Có bệnh ở can sẽ liên quan tới đỏm, gây mất thăng bằng, choáng váng muốn ngã. Can khai khiếu ra mắt, can có bệnh thì mất trợn ngược. Phong nhiệt nung tân dịch cô lại thành đàm, sinh ho hen, thở gấp, đờm dãi bế tắc trong cổ họng. Đường kinh can có nhánh đi lên não, khi có bệnh hỏa kéo đàm lên, tắc đường lên của thanh khí, não không được nuôi dưỡng, sinh mê man, không biết gì. Đến khi bệnh chuyển lẫn nhau, mộc tà hại thổ, tỳ bệnh sinh thổ tả, đàm. Mộc thịnh kim suy, phế bệnh thành suyễn thở, đoản khí. Mộc hỏa bốc lên thì tâm bệnh, sinh kinh sợ, la hét, phiền nóng. Mộc hỏa hại âm thì thận bệnh, sinh huyết táo, mồ hôi không ra được, khô khát, co giật.
Đó là sơ lược về kinh phong của ngũ tạng.
Về điều trị kinh phong theo y học cổ truyền, bệnh được chia thành nhiều thể, mỗi thể bệnh có pháp điều trị và phương thuốc khác nhau.
• Cấp kinh phong
Triệu chứng: Bệnh phát nhanh. Sau một vài ngày sốt cao, trẻ xuất hiện co giật, mắt trợn ngược, hàm răng cắn chặt, gáy cứng, tay chân co quắp, trong họng có tiếng đờm, má đỏ, có thể hôn mê. Co giật phát ra thành từng cơn, hoặc kéo dài không dứt. Ngoài cơn, trẻ đại tiện táo, thích uống nước lạnh. Mạch phù hồng sác khẩn huyền, chỉ văn đỏ tía.
Pháp điều trị: Sơ phong, thanh nhiệt, khai khiếu khoát đàm.
• Mạn kinh phong
Gặp ở di chứng viêm não, viêm màng não, ... rối loạn điện giải, giai đoạn cuối các bệnh nhiễm trùng...
Triệu chứng: Tinh thần uể oải, sắc mặt vàng hoặc trắng bệch. Tay chân mình mẩy buốt lạnh, môi tái xanh, thở yếu nông. Nằm mê man, thỉnh thoảng đờm kéo ngược lên, co giật không có sức, mắt đảo đi đảo lại. Có khi nôn mửa ra nước trong, tiêu chảy. Mạch trì hoãn vô lực.
Nếu trong hư có ghé nhiệt thì mình nóng, miệng khát, ngực đầy, thở to, tâm phiền, ít ngủ, nôn mửa ra đờm dãi, mạch tế sác.
Bệnh kéo dài dai đẳng. Đôi khi dương khí suy bại, tỳ thận hư kiệt, can phong nội động, thành kinh quyết, tiêu chảy, dẫn đến hư thoát, có thể tử vong.
Nguyên nhân và biện chứng luận trị
Giai đoạn cuối các bệnh nặng lâu ngày, ăn uống bừa bãi, chăm sóc không đầy đủ. Hoặc uống nhiều thuốc hàn lương khắc phạt. Hay bị bệnh thổ tả. Các nguyên nhân này làm tỳ vị bị tổn thương. Tỳ hư, can phong nhân đó xâm phạm vào sinh kinh quyết, tiêu chảy, nên còn gọi là mạn kinh phong.
Chứng cấp kinh điều trị không đúng, sử dụng nhiều thuốc khu phong hoá đàm, tả hoả tân tán. Hay do tỳ khí bị tổn thương, nhưng điều trị không khỏi, bệnh kéo dài lâu ngày. Các nguyên nhân này làm tỳ thận dương đều hư, dương suy tất âm kiệt, hao huyết, bệnh càng nặng, sinh mạn kinh phong.
Chứng cấp kinh do hỏa thịnh (ôn tà) làm âm tân bị tiêu hao nặng ở giai đoạn cuối. Âm hư không được hồi phục, lâu ngày làm tổn thương đến dương khí, làm khí âm cùng hư, sinh bệnh.
Nguyên tắc điều trị
Khác với cấp kinh phải điều trị ngọn (cắt cơn co giật trước), mạn kinh điều trị vào gốc bệnh, nên bồi bổ nguyên khí. Vì các loại phong đàm trong mạn kinh đều không phải thực tà, không được dùng thuốc tiêu tán bừa bãi, bại đến dương khí.
Pháp điều trị chủ yếu là bồi bổ tỳ thận, hoặc dưỡng âm bổ khí hợp với các vị thuốc bình can tức phong.
Các chứng động kinh rất hay gặp ở trẻ em.
Bệnh động kinh và các bệnh khác gây co giật tương đương với chứng kinh phong của y học cổ truyền. Để điều trị hiệu quả
bệnh động kinh trẻ em, cần phải kết hợp y học hiện đại (cấp) và y học cổ truyền (mãn) sao cho phù hợp.
BS. Nguyễn Thùy Ngân