Ở bệnh nhân động kinh, ngoài các triệu chứng biểu hiện rõ rệt như chúng ta thường thấy thì bệnh nhân còn có những rối loạn tiềm ẩn mà ít người để ý đến đó là các chứng rối loạn tâm thần, vậy nguyên do từ đâu dẫn đến tình trạng này?
Bệnh động kinh là một bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ cao trong bệnh lý thần kinh. Trên thế giới, tỷ lệ hiện mắc động kinh chiếm từ 5/1000 dân đến 10/1000 dân và tỷ lệ mới mắc khoảng từ 190/100.000 dân/năm (ở những nước đang phát triển) đến 70/100.000 dân/ năm (ở các nước phát triển). Tỷ lệ này đang có xu hướng ngày một gia tăng, trong khi việc nhận thức đúng về bệnh lý và tháo bỏ những định kiến xã hội đối với người bệnh mắc căn bệnh này vẫn còn chưa được nhiều người quan tâm. Từ đó làm hạn chế việc chăm sóc và điều trị toàn diện cho người bệnh, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân vì thế cũng bị giảm sút. Ở bệnh nhân động kinh, ngoài các triệu chứng biểu hiện rõ rệt như chúng ta thường thấy thì bệnh nhân còn có những rối loạn tiềm ẩn mà ít người để ý đến đó là các chứng rối loạn tâm thần, vậy nguyên do từ đâu dẫn đến tình trạng này?
Bệnh động kinh là bệnh rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương, xảy ra do sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát của một nhóm các tế bào thần kinh vỏ não, làm xuất hiện các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần kèm theo sự thay đổi nhận thức, cảm giác, hành vi, vận động và chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý này có những biểu hiện về lâm sàng thần kinh đa dạng như: co cứng, co giật toàn thân, cơn co giật cục bộ, ngất…. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện rối loạn về tâm thần như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc lo âu, trầm cảm…. thường dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý tâm thần. Vì vậy, việc hiểu một cách chính xác, đầy đủ về mối quan hệ giữa các rối loạn tâm thần và bệnh động kinh là rất cần thiết để đảm bảo xây dựng một phương pháp
điều trị bệnh động kinh hiệu quả, tránh điều trị lan man, gây tốn kém kinh tế và gây hại cho sức khỏe người bệnh.
Các chứng rối loạn tâm thần kinh thường gặp ở bệnh nhân động kinh:
Chứng loạn thần
Theo thống kê, có khoảng 2-9% bệnh nhân động kinh mắc chứng loạn thần. Chứng loạn thần thường thấy ở những bệnh nhân động kinh có tổn thương cấu trúc não như: bất thường trong quá trình phát triển não, nhiễm trùng thần kinh, sau phẫu thuật thần kinh - sọ não, chấn thương não – sọ não, teo não, đặc biệt hay gặp ở thể động kinh thùy thái dương. Biểu hiện loạn thần thường thấy như:
-
Hoang tưởng, hội chứng Paranoid, kích động, hoặc hội chứng căng trương lực, kèm theo rối loạn ý thức.
-
Ảo giác thính giác, thị giác, khứu giác và xúc giác, …
-
Biểu hiện giải thể nhân cách, tri giác sai thực tại, cảm thấy như có ai đó đang nói chuyện hoặc điều khiển suy nghĩ của mình.
-
Mất kiểm soát hành vi.
-
Trầm cảm, hưng cảm, kích động và những hành vi mang tính phá hủy có thể dẫn tới kết cục tự hủy hoại bản thân ví dụ như tự sát hoặc làm tổn hại cho người khác.
Có nhiều nghiên cứu và giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích nguyên nhân của chứng bệnh này, cụ thể:
-
Trong quá trình điện não bằng cách sử dụng điện cực sâu phát hiện ra sự lan truyền của hoạt động kịch phát trong cấu trúc của hệ viền (Limbic), đây có thể coi là nền tảng của các rối loạn tâm thần liên quan đến động kinh. Một giả thuyết khác nghi ngờ những tổn thương viêm não tự miễn làm tăng tính thấm của hàng rào máu não, từ đó làm tăng khả năng tiếp xúc với kháng nguyên của cơ thể gây ra rối loạn.
-
Hiện tượng phóng điện sinh học lặp đi lặp lại trong hệ limbic kích thích quá mức hệ thống dopaminergic, có thể dẫn đến sự phát triển của các rối loạn tâm thần.
-
Thiếu oxy trong giai đoạn chu sinh hoặc chấn thương, nhiễm trùng hoặc chấn thương não – sọ não có thể dẫn đến tái tổ chức khớp thần kinh, giảm tính linh hoạt của tế bào thần kinh và thay đổi truyền Catecholaminergic, GABA-ergic và Glutamatergic ở các bộ phận nhạy cảm của não.
-
Yếu tố gia đình cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nhóm bệnh nhân này (ví dụ: đột biến CYFIP1).
Rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc trong động kinh thường liên quan đến cơn
động kinh cục bộ, hầu hết xuất phát từ thái dương. Rối loạn cảm xúc có thể xuất hiện trước, trong, hoặc sau các cơn động kinh.
Trầm cảm
Trầm cảm sau cơn thường gặp nhiều hơn (khoảng > 43%), bệnh có thể xuất hiện ngay sau cơn động kinh hoặc vài ngày sau đó và kéo dài tối đa 24 giờ với những triệu chứng như cảm xúc trầm buồn, mất hứng thú, mất hết niềm tin, năng lượng sống, cảm giác tội lỗi, dễ kích thích, xuất hiện ý nghĩ tự hại, có thể kèm theo rối loạn lo âu. Trầm cảm trong cơn động kinh cũng là một tình trạng phổ biến hoặc nó cũng có thể xuất hiện trước cơn động kinh vài ngày đến vài giờ. Nếu như trầm cảm xảy ra trong cơn thì nó thường có tính chất đột ngột, người bệnh có cảm xúc trầm buồn trong thời gian ngắn, không liên quan đến yếu tố môi trường bên ngoài, họ thường có những biểu hiện như chậm chạp, ý nghĩ hoặc xu hướng tự sát, những triệu chứng cơ thể (ví dụ như rối loạn giấc ngủ, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, hội chứng đau không đặc hiệu, đầy bụng khó tiêu).
Rối loạn lo âu
Đây là chứng rối loạn tâm thần thường gặp, đặc biệt hay gặp nhất ở cơn
động kinh cục bộ thùy thái dương. Bệnh nhân có thể thấy biểu hiện về tâm lý như căng thẳng, sợ hãi lo lắng, dễ kích thích, cảm xúc không ổn định, hoặc các biểu hiện về cơ thể như hồi hộp, trống ngực, rối loạn tiêu hóa, dị cảm họng, ngủ kém, rối loạn ám ảnh cưỡng bức…
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, loạn khí sắc
Rối loạn này thường xảy ra ở dạng động kinh cục bộ, nó xảy ra trước cơn động kinh với biểu hiện cảm xúc không ổn định, dễ bị kích thích, bùng phát trong cơn và có thể kéo dài đến 24 tiếng sau cơn với biểu hiện tăng hưng cảm, giảm tập trung… hoặc có loạn khí sắc như ngủ kém, hội chứng đau, trầm buồn, lo âu…
Nguyên nhân của những rối loạn này xuất phát từ rối loạn hoạt động điện sinh học ở não thời điểm trước và trong cơn động kinh, làm giảm ngưỡng kích thích của tế bào thần kinh, giảm dẫn truyền của các chất dẫn truyền thần kinh. Tăng hoạt động của tuyến nội tiết hệ dưới đồi tuyến yên, tuyến thượng thận, rối loạn sự dẫn truyền của các chất dẫn truyền thần kinh. Hoặc do tác dụng không mong muốn của các loại thuốc chống động kinh cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra các rối loạn này (như thuốc Levetiracetam, Topiramate, Clonazepam, Vigabatrin, Tiagabine). Ngoài ra, vấn đề kỳ thị của xã hội với người mắc bệnh động kinh, thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, tình trạng kinh tế kém cũng là yếu tố làm khởi phát hoặc tăng nặng các triệu chứng rối loạn tâm thần kinh.
Rối loạn hành vi
Thường gặp ở dạng
động kinh thùy trán, biểu hiện như kích động, có hành vi chống đối xã hội. Do phương pháp điều trị không phù hợp hoặc tác dụng phụ của thuốc chống động kinh có thể là một yếu tố khởi phát hoặc tăng nặng triệu chứng này.
Rối loạn nhân cách ở bệnh nhân động kinh
Điển hình ở những bệnh nhân động kinh thùy thái dương, rối loạn nhân cách làm gián đoạn tư duy, ý nghĩ và giao tiếp, nhắc đi nhắc một vấn đề, trả lời một câu hỏi nhiều lần nhưng không thống nhất về nội dung, xa lánh xã hội, ít tương tác với bên ngoài, chứng này thường gọi là hội chứng Geschwind (hội chứng này được đặt tên cho một trong những người đầu tiên phân loại các triệu chứng, Norman Geschwind).
Ở nhóm bệnh nhân này, các triệu chứng và biểu hiện chủ yếu liên quan đến trí tuệ, nhận thức, cảm xúc như:
-
Chậm phát triển trí tuệ.
-
Tăng động giảm chú ý, tự kỷ, rối loạn lo âu, trầm cảm.
-
Rối loạn ngôn ngữ, hành vi.
Kết luận
Nhiều người cho rằng bệnh lý động kinh là bệnh lý đơn thuần chỉ xảy ra với các triệu chứng như co cứng, co giật toàn thân hoặc cục bộ…, sau cơn bệnh nhân sinh hoạt bình thường nên chỉ cần uống thuốc để cắt cơn là được, không có gì đáng lo ngại. Nhưng không ai để ý đến những mối nguy hiểm tiềm tàng phía sau căn bệnh này. Ngoài những nguy cơ tổn thương thứ phát trong sinh hoạt ra, người bệnh còn có khả năng cao mắc các chứng rối loạn tâm lý khác. Vì vậy cho nên, chúng ta cần sớm nhận thức đúng, toàn diện về bệnh lý động kinh để có cách tiếp cận, xử trí toàn diện, đúng đắn hơn với căn bệnh này.
Hiện nay, tại nhà thuốc đông y gia truyền Thọ Xuân Đường đang có thế mạnh điều trị bệnh lý động kinh với phương pháp điều trị bằng Nam y, Nam dược kết hợp hài hòa với chế độ ăn uống, sinh hoạt, hướng dẫn các phương pháp cải thiện, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh đem lại hiệu quả tích cực.
Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường