Động kinh khi ngủ

Những triệu chứng của cơn động kinh khi ngủ là gì và làm sao để chẩn đoán cơn động kinh khi ngủ? Hãy cùng nhà thuốc Thọ Xuân đường tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Động kinh khi ngủ

Động kinh khi ngủ

Động kinh là một trong những bất thường của hệ thần kinh trung ương, xảy ra khi một vùng não bộ bị tổn thương. Mọi người thường biết đến cơn động kinh xảy ra ban ngày, tuy nhiên cơn động kinh cũng có thể xuất hiện vào ban đêm khi đang ngủ. Cho nên, việc chẩn đoán cơn động kinh khi ngủ cũng khó khăn hơn và có thể bị bỏ qua. Vậy những triệu chứng của cơn động kinh khi ngủ là gì và làm sao để chẩn đoán cơn động kinh khi ngủ? 

Động kinh khi ngủ là gì?

Ngủ là một trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể có tính chất chu kỳ ngày đêm, trong đó toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi, tạm ngừng hoạt động tri giác và ý thức, các cơ bắp giãn mềm, các hoạt động hô hấp, tuần hoàn chậm lại. Giấc ngủ làm phục hồi lại chức năng của các cơ quan trong cơ thể. 
Giấc ngủ gồm có 5 giai đoạn và được chia làm 2 nhóm: Giấc ngủ NREM (Giấc ngủ không có chuyển động mắt nhanh) gồm giai đoạn ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu và ngủ rất sâu; giấc ngủ REM (Giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh) chỉ bao gồm giai đoạn ngủ mơ.
Theo Hiệp hội Chống động kinh Châu Âu (ILAE) định nghĩa “Động kinh khi ngủ là khi các cơ co giật hầu hết xảy ra hoặc xảy ra đa phần trong giấc ngủ”. Theo thống kê, có khoảng 12% số bệnh nhân mắc động kinh là động kinh khi ngủ. Các nghiên cứu cũng cho thấy cơn động kinh chỉ xuất hiện hoặc xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn giấc ngủ không có vận động nhãn cầu nhanh NREM, ít khi xuất hiện ở giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh REM.

Dấu hiệu nhận biết động kinh khi ngủ

Các dấu hiệu nhận biết động kinh khi ngủ bao gồm:

Co giật

Đây là biểu hiện đặc trưng nhất của tình trạng động kinh khi ngủ. Một số bệnh nhân chỉ có co giật khi ngủ, trong khi những người khác lại có thể lên cơn động kinh ngay cả khi thức và ngủ. 
Cơn động kinh khi ngủ khiến người bệnh thức giấc bất ngờ mà không rõ lí do, cơn thường chỉ kéo dài 1 – 2 phút đi kèm với cảm giác hưng phấn trước và sau cơn động kinh. Các biểu hiện cụ thể gồm có:
  • Co thắt nhẹ một số bộ phận của cơ thể hoặc giật mạnh toàn thân.
  • Răng nghiến chặt, cắn vào lưỡi hoặc má.
  • Tiểu tiện không tự chủ.
  • Có những cảm xúc bất thường như đột nhiên la hét, khóc lóc và dễ bị nhầm lẫn với cơn ác mộng.
  • Xuất hiện ảo giác, nhìn thấy những hình ảnh không có thật, ngửi thấy mùi vị lạ.
  • Cảm giác ngứa ran trên mặt, lưỡi, cổ họng.
  • Mất ý thức hoặc tạm thời ngưng thở một vài giây.
  • Khi tỉnh dậy, người bệnh thường bị đau đầu, buồn ngủ, mệt mỏi và không nhớ những gì đã xảy ra.
  • Các cơn co giật của động kinh khi ngủ thường xuất hiện:
  • Trong giờ thứ nhất hoặc giờ thứ hai kể từ khi bắt đầu ngủ.
  • Trong vòng một đến hai giờ trước khi tỉnh dậy.
  • Trong giờ đầu tiên sau khi thức giấc.

Rối loạn trương lực cơ hoặc vận động

Các biểu hiện rối loạn trương lực cơ thường khởi phát về đêm. Ban đầu, hội chứng này được gọi là loạn trương lực cơ kịch phát lúc ngủ, sau gọi là loạn trương lực cơ kịch phát về đêm với biểu hiện đặc trưng là cơn vận động lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn từ 15 - 45 giây.
Rối loạn trương lực cơ bao gồm tư thế loạn trương lực, loạn trương lực kiểu múa giật hoặc múa vung và phát ra âm thanh, thường xảy ra trong giấc ngủ NREM mà không hề có sự thay đổi trên điện não trong hoặc giữa các cơn.

Triệu chứng tâm thần

Cơn hoảng loạn, rối loạn stress sau chấn thương và co giật tâm căn là các triệu chứng tâm thần lúc ngủ tương tự như co giật.
Một số người bệnh động kinh khi ngủ có rối loạn hoảng loạn biểu hiện phần lớn thành cơn hoảng loạn khiến cho người bệnh thường bị thức giấc đột ngột. Các biểu hiện lúc thức giấc bao gồm sợ hãi, đánh trống ngực, run rẩy và chóng mặt. Trái ngược với ác mộng giấc ngủ REM, người bệnh có cơn hoảng loạn không nhớ được giấc mơ.

Các biểu hiện khác

Ngoài co giật và rối loạn trương lực cơ, một số biểu hiện trong thời gian ngắn của động kinh khi ngủ mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm lú lẫn sau cơn, rối loạn tâm lý. Tuy nhiên, biểu hiện trên điện não lại hoàn toàn bình thường trong hoặc giữa các cơn. Điều này khiến cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn và trở nên phức tạp.

Một số rối loạn cử động liên quan đến giấc ngủ

Một số rối loạn cử động liên quan đến giấc ngủ có thể gây nhầm lẫn với động kinh khi ngủ như:
  • Cử động chi theo chu kỳ lúc ngủ: Rối loạn cử động này có thể tạo ra các hành động như đập, đá ở mức độ mạnh, hội chứng chân không là một trong những nguyên nhân. Rối loạn cử động này có thể kèm theo các cử động uốn cong đặc trưng của chân, đôi khi cũng có thể biểu hiện ở chi trên.
  • Co cơ, giật cơ lúc ngủ hoặc giật mình lúc ngủ: Đây là một biểu hiện sinh lý hết sức bình thường, xuất hiện lúc chuyển tiếp từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ, thường đi kèm với hiện tượng cảm giác. Trái ngược với cơn giật rung cơ, co cơ khởi phát lúc ngủ chỉ khu trú lúc bắt đầu giấc ngủ.
  • Nghiến răng khi ngủ: Nghiến răng một cách định hình có thể gây mòn răng tương tự như cử động hàm theo nhịp trong động kinh, song rối loạn cử động này lại không xảy ra ở động kinh.
  • Rối loạn cử động theo nhịp: Rối loạn này biểu hiện rất đa dạng, bao gồm đập đầu đều đặn mỗi khi người bệnh nằm sấp hoặc lắc thân mình tới lui khi đang nằm nghiêng trên cánh tay và đầu gối.

Chẩn đoán bệnh động kinh khi ngủ

Bệnh động kinh khi ngủ có thể rất khó để chẩn đoán vì chúng xảy ra trong giấc ngủ và người mắc bệnh thường không nhận biết được điều đó. Ngoài ra, chứng bệnh này còn có thể nhầm lẫn với một vài rối loạn giấc ngủ khác như mất ngủ, bao gồm các triệu chứng như mộng du, nghiến răng và hội chứng chân không yên…
Cũng như các kiểu động kinh khác, việc khai thác bệnh sử về triệu chứng co giật, hay tốt hơn nữa là có nhân chứng là một yếu tố rất quan trọng để chẩn đoán. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện ghi hình điện não đồ (ECG) giúp phát hiện sóng động kinh; chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) giúp phát hiện một số nguyên nhân gây cơn động kinh như u não, đột quỵ não, tổn thương trong não do chấn thương, viêm não, áp xe não, dị dạng mạch não, teo não….

Ý nghĩa của kết quả ghi điện não đồ khi ngủ

Điện não đồ (EEG) là phương pháp ghi lại các hoạt động điện sinh học của não nhờ các điện cực được đặt trên da dầu. Điện não đồ giúp ghi lại sóng điện não để dựa vào đó, các bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định được chính xác cơn động kinh, dạng cơn, vùng não phát sinh động kinh cũng như phân biệt với các dạng cơn khác cơn động kinh. Mỗi thể động kinh, điện não đồ cho các hình ảnh khác nhau:
Ví dụ:
  • Cơn động kinh toàn thể biểu hiện những loạt kịch phát gai nhọn - sóng chậm biên độ lớn, đồng pha, xuất hiện ở toàn bộ 2 bên bán cầu.
  • Trong cơn động kinh co cứng co giật: Xuất hiện các loạt kịch phát gai nhọn - sóng chậm biên độ lớn trong giai đoạn co cứng sau đó là các gai nhọn sóng chậm hoặc sóng chậm biên độ lớn (250 - 500mcV) hoặc đa gai nhọn – sóng chậm trong giai đoạn co giật, loạt kịch phát kéo dài 20 – 30 giây. Giữa các cơn điện não có thể bình thường hoặc xuất hiện các sóng chậm xen kẽ.
  • Trong động kinh cơn vắng ý thức điển hình là xuất hiện đột ngột trong các loại gai nhọn - sóng chậm tần số 3 chu kỳ/s, trong một thời gian ngắn (8 - 10s).
Nếu phát hiện một cơn co giật, động kinh trong lúc ngủ, người bệnh cần được thực hiện đo điện não bằng phương pháp ghi điện não giấc ngủ để xác định xem có mắc bệnh động kinh khi ngủ hay không. Đây là một những kỹ thuật đơn giản và có thể làm được ở hầu hết các bệnh viện.
Kết quả ghi điện não giấc ngủ có thể hiển thị rõ những sóng điện bất thường khi người bệnh đang trong cơn động kinh. Tuy nhiên, có những lúc bản ghi điện não đồ lại không thể hiện được rõ sự thay đổi khác biệt. Chính vì thế, dù cho kết quả ghi điện não giấc ngủ cho ra là bình thường nhưng không có nghĩa là người bệnh không mắc bệnh động kinh khi ngủ, đặc biệt là khi người bệnh có biểu hiện cơn co giật điển hình.

Động kinh khi ngủ có thể xảy ra vào ban ngày không?

Nếu một người đã bị động kinh khi ngủ nhiều năm, khả năng cơn động kinh xuất hiện lúc thức là rất nhỏ. Tuy nhiên, các cơn động kinh cũng có thể xuất hiện khi một bệnh nhân ngủ trưa hoặc cảm thấy cực kì buồn ngủ vào ban ngày. 

Một số thói quen tốt cho bệnh nhân bị động kinh khi ngủ

Bên cạnh việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì việc duy trì một lối sống lành mạnh không chỉ giúp người bệnh động kinh tăng cường sức khỏe mà còn hỗ trợ ngăn ngừa cơn động kinh hiệu quả:
  • Đi ngủ đúng giờ và đủ giấc: Tình trạng mất ngủ được xem là một yếu tố khởi phát cơn động kinh. Do đó, bệnh nhân động kinh cần phải ngủ đúng giờ và đủ giấc, đảm bảo được chất lượng giấc ngủ để phòng ngừa cơn động kinh tái phát. Không nên thức khuya.
  • Không nên làm việc theo ca (ngày –đêm) vì có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và thời điểm đi ngủ.
  • Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối để ngủ và đủ sáng khi thức dậy.
  • Chọn giường thấp, tránh ngủ ở giường tầng, sắp xếp các đồ vật nội thất nặng ở xa giường ngủ để tránh chấn thương khi bị ngã từ giường xuống.
  • Tránh căng thẳng, làm việc quá sức…
  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng một phần không nhỏ trong việc điều trị và phòng ngừa cơn động kinh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ vitamin và khoáng chất cũng giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh tật tốt hơn.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê, thuốc lá, thuốc lào…
  • Tập thể dục thường xuyên: Đây một biện pháp giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe hiệu quả, người bệnh động kinh nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng, không tập quá sức, không nên chơi các môn thể thao đối kháng…
BS. Hoàng Ly (Thọ Xuân Đường)

Đăng ký tư vấn & khám bệnh

Bệnh nhân đăng ký khám vui lòng nhập đầy đủ thông tin. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất!
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới