Những người mang trong mình bệnh lý mạn tính như động kinh cũng đặc biệt cần được duy trì vận động đều đặn vì những lợi ích không thể phủ nhận đối với sức khoẻ và cả cải thiện tình trạng bệnh.
Lợi ích của thể thao đối với sức khỏe bệnh nhân động kinh
Vận động là điều kiện cần của mọi sự sống và phát triển: Cây cối khi vươn cao luôn biết hướng về phía nhiều ánh sáng, rễ thì lan theo hướng có nguồn nước; các loài động vật luôn vận động kiếm ăn, và di cư theo mùa… Đối với con người về mặt vi mô trái tim phải đập 24/24 giờ đưa máu nuôi khắp cơ thể; các tế bào luôn phân chia thay cũ đổi mới; về mặt vĩ mô thì hàng ngày cần ăn uống tiêu hoá cung cấp năng lượng dinh dưỡng cho cơ thể, lao động kiếm sống, tập thể dục thể thao để cơ nhục phát triển, duy trì thể chất. Ngừng vận động là ngừng phát triển, đôi khi là ngừng cả sự sống.
Hơn thế nữa với ngành động vật cao cấp như con người, vận động thể thao còn mang nhiều ý nghĩa tích cực khác. Những người mang trong mình bệnh lý mạn tính như
động kinh cũng đặc biệt cần được duy trì vận động đều đặn vì những lợi ích không thể phủ nhận đối với sức khoẻ và cả cải thiện tình trạng bệnh.
Duy trì vẻ bề ngoài thẩm mỹ
Việc duy trì cân nặng và vóc dáng đã được nghiên cứu phụ thuộc 80% vào chế độ dinh dưỡng và 20% vào việc tập luyện. Hiện nay không chỉ những bậc trung niên mới nghĩ đến việc tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng, sức khoẻ, mà các bạn trẻ cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi họ được tiếp cận với các phương tiện truyền thông cũng như các khóa học về chăm sóc sức khoẻ chủ động, và hiểu được tầm quan trọng của việc vận động đối với sức khoẻ cả thể chất và tinh thần.
Thức ăn được nạp vào hàng ngày nếu không được tiêu thụ tương đương, sẽ dễ tích tụ lại gây thừa cân, béo phì trước hết sẽ giảm sự tự tin về ngoại hình. Chính vì thế nếu muốn duy trì cân nặng thì lượng calo từ thực phẩm đưa vào, phải ngang bằng với lượng calo tiêu hao qua các hoạt động thể chất hàng ngày. Nếu muốn giảm cân thì việc tập luyện cần có cường độ cao, đốt cháy lượng calo nhiều hơn so với lượng calo in. Duy trì được vóc dáng lý tưởng, sự tự tin yêu bản thân lại rất có lợi cho quá trình
điều trị động kinh lâu dài, vì giúp người bệnh không cảm thấy bị tự ti, xa cách về ngoại hình, hay khác biệt do bệnh tật.
Nâng cao sức khoẻ, đẩy lùi bệnh tật
Tham gia các môn thể thao đều đặn, có tính chu kỳ cũng cho thấy có sự liên hệ với hoạt động của hệ thống miễn dịch. Những người này thường khoẻ mạnh, ít ốm vặt, uể oải hơn người ít vận động hay không chơi bất kỳ môn thể thao nào. Khi không may bị cảm nhiễm những bệnh thường gặp thì người tập luyện thường xuyên cũng nhanh khỏi, ít bị chuyển biến nặng.
Vận động thường xuyên, tích cực còn được chứng minh có ích trong việc chuyển hoá glucid, protid, nhất là lipid; giúp tăng HDL (Lipoprotein tỷ trọng cao) – mỡ tốt và giảm các loại mỡ xấu trong máu như LDL (Lipoprotein tỷ trọng thấp), cholesterol, triglycerid. Chính tác dụng kép này giữ cho lòng mạch “sạch sẽ”, không tích tụ các mảng mỡ xấu là nguồn cơn của các bệnh lý rối loạn chuyển hoá, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ,
ung thư. Hạn chế các bệnh lý thứ phát trên bệnh nhân động kinh sẽ giúp việc điều trị bệnh được tập trung tối đa hơn, tăng cường hiệu quả, rút ngắn thời gian ổn định cho người bệnh.
Cải thiện tâm trạng, chống các bệnh lý trầm cảm
Áp lực cuộc sống hiện nay làm gia tăng số lượng bệnh nhân rối loạn lo âu, trầm cảm. Mặc dù không ai sống và hiểu cuộc sống của người khác được, nhưng có rất nhiều điểm chung ở những người bệnh này là ngại vận động hay giao tiếp với nhiều người, đây cũng là nguyên nhân tăng nặng bệnh nếu diễn ra lâu dài. Ai cũng có khả năng rơi vào trầm cảm, nên cần phải chú ý lắng nghe cơ thể, và quan trọng áp dụng những phương pháp thư giãn, giải trí tích cực như chơi thể thao.
Sau những giờ làm việc căng thẳng, lựa chọn tập thể dục vừa giúp não bộ không có thời gian thừa để suy nghĩ vẩn vơ; vừa tăng sự tương tác, giao tiếp với nhiều người khi tham gia các môn hoạt động nhóm. Các hormone hạnh phúc như Dopamin, Serotonin, Endorphin được kích thích sản sinh khi cơ thể được giải phóng năng lượng bằng thể dục thể thao. Các hormon này sẽ giúp cân bằng “hệ sinh thái” của não bộ, loại bỏ những tiêu cực muốn len lỏi vào, từ đó hạn chế tiến triển thành các chứng trầm cảm. Những người đã có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán trầm cảm cần áp dụng vận động thường xuyên kết hợp điều trị chuyên khoa cũng góp phần thuyên giảm bệnh.
Trầm cảm là một trong những bệnh lý tâm thần kinh kết hợp hay gặp nhất ở bệnh nhân động kinh. Vì vậy, người bệnh động kinh càng phải có kế hoạch vận động thể thao đều để cải thiện tâm trạng, tránh lo âu về bệnh tật khác.
Đặc biệt tốt cho hệ cơ xương khớp
Về hệ cơ chúng ta có thể thấy sự cải thiện rõ nhất qua các huấn luyện viên thể hình, vận động viên. Kể cả những người không có chuyên môn nhưng coi tập thể dục là một trong những thói quen cũng có thể cảm nhận được sự săn chắc của cơ nhục.
Xương khớp dẻo dai, chắc khoẻ hơn khi được vận động hàng ngày. Lí do là khi xương khớp hoạt động sẽ tăng nhu cầu và tăng khả năng tổng hợp, hấp thu canxi, flo giúp tăng mật độ xương, tránh tình trạng giòn xương, loãng xương… Mặc dù vậy những người có vấn đề bệnh lý cơ xương khớp lại cần tìm hiểu kỹ hơn và lựa chọn những môn nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng mà không ảnh hưởng nặng thêm cho tình trạng bệnh.
Hỗ trợ giấc ngủ sâu, tăng cường trí nhớ
Chất lượng giấc ngủ được đánh giá qua thời gian đi vào giấc ngủ, thời gian duy trì giấc ngủ, mức độ thoải mái, sảng khoái khi tỉnh dậy. Các tiêu chí ấy cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố và hoạt động thể chất có tác động khá tích cực để cải thiện giấc ngủ. Những người vận động thể chất thường xuyên hàng ngày, hàng tuần đều phản hồi có giấc ngủ chất lượng hơn những người hiếm khi vận động. Một điều cần lưu ý cho những ai chỉ có thời gian buổi tối tập thể dục là không nên tập cường độ quá cao và cách giờ lên giường tối thiểu 1-2 giờ đồng hồ. Đối với người bị động kinh tốt nhất nên sắp xếp tập thể dục vào buổi sáng, hoặc buổi chiều trước bữa tối.
Tập thể dục còn có lợi ích tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận cơ thể, đặc biệt não bộ. Khi máu lên não được đầy đủ, oxy não cũng dồi dào và giúp não bộ làm việc hiệu quả, tăng sức tập trung, khả năng ghi nhớ cao, tăng hiệu suất công việc lên. Ngoài ra còn giảm sự căng thẳng do thiếu oxy não, hạn chế các cơn đau đầu, hoặc khởi phát
cơn động kinh. Việc duy trì lượng máu, oxy lên não đầy đủ cũng là điều rất cần thiết khi điều trị động kinh.
Tăng nhu cầu và sự dẻo dai trong quan hệ tình dục
Khi hệ cơ được vận động, oxy và các chất dinh dưỡng theo sự vận hành trơn tru của máu đến tế bào, mô, cơ quan được đầy đủ. Hệ hô hấp, tim mạch, bài tiết… hoạt động hiệu quả, bền bỉ, tất cả tạo nên một cơ thể dẻo dai. Chức năng can thận theo
y học cổ truyền cũng rất sung túc khi tổng trạng khỏe mạnh, từ đó giúp ích cho đời sống tình dục, đặc biệt ở nam giới. Vận động thể lực đều đặn giúp tăng ham muốn, duy trì được sức khỏe và thời gian quan hệ.
Người mắc động kinh có được chơi thể thao không?
Tập thể thao – thói quen có lợi cho bệnh động kinh
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có khoảng trên 50 triệu người được
chẩn đoán động kinh. Với số lượng rất lớn trên một bệnh lý thế này, thì việc cách ly hay tách rời họ với cuộc sống bình thường có thể nói là không khả thi. Trên thực tế, bệnh nhân động kinh kiểm soát bệnh tốt có thể sinh hoạt bình thường, làm các công việc khác nhau, đóng góp cho xã hội. Điều quan trọng rút ra vẫn là sự tuân thủ điều trị, kết hợp với một lối sống duy trì cùng các thói quen có lợi nhất, trong đó có chơi thể thao. Qua một vài những lợi ích rất tích cực đã nêu trên, càng khẳng định người bị động kinh nếu có thể, vẫn nên tham gia tích cực các hoạt động thể dục thể thao.
Từ vị trí của gia đình, bố mẹ có con em bị động kinh rất ngại việc cho con mình được vận động, một phần vì chưa hiểu rõ về bệnh cũng như cách chăm sóc con trẻ bị bệnh này, một phần vì lo lắng không xử trí được cho con nếu có cơn bất ngờ khi chơi thể thao. Cha mẹ cần cố gắng tìm hiểu, hướng dẫn cụ thể cho các con về những hoạt động con có thể tham gia. Bản chất trẻ em thường hiếu động và cần được vận động hàng ngày, việc cấm đoán chúng càng làm tăng tính cách thích chống đối, dễ ảnh hưởng tâm lý con sẽ thấy bị cô lập, hoặc sẽ dựa dẫm hoàn toàn nếu bố mẹ quá bao bọc.
Việc tham gia ít nhất một môn thể thao nào đó vừa giúp bệnh nhân động kinh nói chung, và
trẻ nhỏ bị động kinh nói riêng được giải phóng cơ thể, không thấy bị lạc lõng, tách rời với cuộc sống bình thường. Hơn thế, khi tham gia các môn có sự tương tác với nhiều người, vấn đề tâm lý bệnh tật cũng được giải quyết.
Gợi ý kế hoạch tập luyện phù hợp cho bệnh nhân động kinh
Giai đoạn chưa kiểm soát tốt số cơn:
-
Hạn chế tối đa vận động quá sức, ra mồ hôi nhiều, nhịp tim tăng quá cao, nhất là trẻ em;
-
Có thể áp dụng các bài thể dục nhẹ nhàng, vận động các khớp tại chỗ; đi bộ trong nhà, trong sân.
Giai đoạn số cơn ổn định/ có chu kỳ:
-
Tránh tập thể dục vào thời điểm hay bị lên cơn nếu bệnh có chu kỳ rõ ràng, lặp đi lặp lại;
-
Không khuyến cáo các bộ môn: Leo núi, bơi lội, đu xà trên cao, tập thể hình với tạ, đấu võ,… rất nguy hiểm vì có thể gây khởi phát cơn, hoặc khó cấp cứu nếu không may bị co giật trong lúc tập;
-
Các môn có thể chơi tần suất ít: Đá bóng, bóng rổ, bóng chuyền…
-
Có thể chơi thường xuyên các môn: Yoga, đi bộ, nhảy dây, đạp xe, bóng bàn, cầu lông, đá cầu…
-
Cần mang đồ bảo hộ đầu, khuỷu tay, gối khi tập luyện tránh những chấn thương thứ phát. Tốt nhất vẫn nên tập ở những nơi có vài người nhìn thấy, phòng trường hợp xuất hiện đột ngột cơn co giật.
BS. Tú Uyên (Thọ Xuân Đường)