Bệnh động kinh là một trong những bệnh thần kinh phổ biến, trên thế giới có tới trên 70 triệu người mắc căn bệnh này. Các tác dụng phụ của thuốc chống động kinh và chứng động kinh kháng thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, thuốc thảo dược được khuyên dùng để điều trị bệnh động kinh.
Động kinh là một bệnh của hệ thần kinh được xác định bởi ít nhất 2 cơn co giật không rõ nguyên nhân xảy ra cách nhau hơn 24 giờ hoặc được chẩn đoán là hội chứng động kinh (Fisher và cộng sự, 2014). Căn bệnh mãn tính đa nhân quả tàn khốc này được đặc trưng bởi các cơn co giật tự phát tái phát (cơn động kinh là một dấu hiệu xảy ra thoáng qua do hoạt động đồng bộ hoặc quá mức bất thường của tế bào thần kinh trong não) ảnh hưởng đến hơn 70 triệu người trên toàn thế giới, 80% trong số họ sống ở các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình quốc gia (Ngugi và cộng sự, 2010).
Các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin có tiềm năng về thực vật dược đa dạng cũng như có văn hóa chữa bệnh bằng thảo dược từ lâu đời. Trong một nghiên cứu về thuốc thảo dược điều trị động kinh (Emilie Auditeau và cộng sự, 2019) của các nhà khoa học Pháp nhằm mục đích làm nổi bật các loài có hiệu quả được đánh giá (sử dụng giữa các nền văn hóa, tác dụng dược lý trên các mô hình động kinh) và thông tin an toàn (dữ liệu độc tính trong phòng thí nghiệm), để chỉ ra các loài được quan tâm cho các nghiên cứu sâu hơn.
Việc tìm kiếm có hệ thống các phương pháp điều trị động kinh bằng thuốc thảo dược cho bệnh động kinh đã được thực hiện dựa trên tất cả các bài báo được xuất bản cho đến tháng 2 năm 2017 thông qua các cơ sở dữ liệu khoa học.
Việc tìm kiếm đã thu được 1886 bài báo, từ 30 quốc gia. Những bài báo xuất bản từ năm 1982 đến năm 2017 đã được đưa vào, tương ứng với tổng số 497 báo cáo sử dụng cho 351 loài thực vật thuộc 106 họ. 377 báo cáo sử dụng tương ứng với 264 loài trong các cuộc điều tra dân tộc học và 120 báo cáo đánh giá tương ứng với 107 loài đã được ghi nhận. 29 báo cáo, cho 29 loài, kết hợp cả đánh giá về mặt nhân chủng học và dược lý học. 58 nghiên cứu có nguồn gốc từ Châu Phi, 35 nghiên cứu từ Châu Á và 18 từ Châu Mỹ Latin.
Báo cáo sử dụng cao nhất được ghi nhận đối với thân rễ cây thủy xương bồ (Acorus calamus L.) - 12 báo cáo tại 1 quốc gia) và lá của cây rau đắng biển [Bacopa monnieri (L.) Wettst.] - (8 báo cáo sử dụng tại 2 quốc gia). Về đánh giá dược lý, hầu hết các loài được nghiên cứu là: cây sư nhĩ [Leonotis leonurus (L.) R.Br.] - (4 báo cáo đánh giá tại 1 quốc gia), cây câu đằng [Uncaria rhynchophylla (Miq.) Miq. Ex Havil.] - (3 báo cáo đánh giá ở 2 quốc gia) và cây bồng bồng [Calotropis gigantea (L.) Dryand.] - (3 báo cáo đánh giá tại 1 quốc gia). Các mô hình in vivo về bệnh động kinh mãn tính phù hợp hơn so với các mô hình in vitro hoặc các mô hình hóa học gây ra các cơn động kinh cấp tính để đánh giá dược lý.
Nghiên cứu đã kết luận, những loài có báo cáo sử dụng nhiều nhất không phải là những loài được đánh giá dược lý. Cần thiết phải đánh giá tác dụng dược lý và tính an toàn của các cây thuốc được hầu hết các thầy lang sử dụng trên các mô hình dự báo cơn động kinh.
Đánh giá của nghiên cứu này nhằm mục đích báo cáo một cách có hệ thống việc sử dụng thảo dược y học cổ truyền trong việc kiểm soát các cơn co giật động kinh.
Bệnh động kinh có ảnh hưởng sâu sắc về mặt văn hóa và xã hội. Y học cổ truyền được công nhận là phương pháp quan trọng của chăm sóc bệnh nhân động kinh vì khả năng xem xét các yếu tố hành vi, dinh dưỡng, tâm lý và xã hội. Vì lý do đó, việc tích hợp y học cổ truyền trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng, an toàn của y học cổ truyền và tăng cường khả năng sẵn có và khả năng tiếp cận chăm sóc bệnh động kinh là các chiến lược của WHO cho giai đoạn 2014–2023.
BS. Nguyễn Thùy Ngân