Bệnh động kinh là rối loạn chức năng thần kinh trung ương do sự phóng xung điện của các neuron vỏ não hoặc qua vỏ não gây ra cơn co giật tái diễn nhiều lần giống nhau. Bệnh động kinh không rõ nguyên nhân trong khoảng 50% trường hợp bệnh, số còn lại thì do nhiều nguyên nhân bệnh động kinh như chấn thương sọ não, u não, di chứng viêm não, ký sinh trùng...
• Động kinh nguyên phát
Trong đa số trường hợp động kinh, dù sử dụng các phương pháp khám lâm sàng, cận lâm sàng hiện đại, người ta đều không tìm thấy một nguyên nhân nào xác định rõ rệt hoặc tổn thương nào đó của não có thể được coi là nguồn gốc của bệnh. Động kinh có tính di truyền, cha mẹ mắc bệnh động kinh thì con cái của họ có tỉ lệ bị bệnh động kinh cao hơn so với bình thường.
• Động kinh thứ phát
Do bệnh lý tại não:
- U não: Những cơn động kinh có thể là biểu hiện duy nhất của khối u trên lều tiểu não và hiếm hơn là khối u của hố sọ sau.
- Áp xe não, u lao, sán não, bệnh do Toxoplasma (kí sinh trùng đơn bào), bệnh giang mai thần kinh, bệnh uốn ván, bệnh dại, những tổn thương não của bệnh AIDS, bệnh sốt rét do P. Falciparum và những bệnh nấm toàn thân, đặc biệt là nhiễm nấm Cryptococcus (nấm men Cryptococcus Neoformans), tất cả đều có thể gây ra bệnh động kinh.
-
Chấn thương sọ não: Gây chảy máu từ động mạch não giữa, lún xương sọ chèn ép vào não, xuất huyết dưới màng nhện, hoặc những mảnh xương vụn kích thích vào vỏ não đều có thể gây ra cơn động kinh.
Động kinh sau chấn thương là do các sẹo hình thành vài tháng sau khi bị chấn thương và có thể là cơn động kinh toàn thể hoặc khu trú (cơn động kinh Bravais – Jackson).
- Xuất huyết não hoặc nhồi máu não.
- Viêm màng não, viêm màng não – não.
- Những bệnh não ở trẻ em, chấn thương sản khoa.
- Loạn sản thần kinh – ngoại bì, xơ cứng não củ Bourneville hoặc bệnh Alzheimer.
- Dị dạng động, tĩnh mạch bẩm sinh có thể gây ra cơn động kinh cục bộ.
Do những quá trình toàn thân ảnh hưởng đến não hoặc khu trú ở não:
- Rối loạn tuần hoàn: Tổn thương não chỉ có thể giới hạn (gây ra cơn động kinh cục bộ) trong trường hợp khối máu tụ trong não hoặc dưới màng cứng, nghẽn mạch hoặc nhũn não. Ngược lại, quá trình có thể lan tỏa (gây ra cơn động kinh toàn bộ) trong bệnh tăng huyết áp động mạch.
- Nhiễm độc: Nhiễm độc mãn tính chì (Pb) hoặc thủy ngân (Hg). Các cơn co giật có thể xảy ra khi bị ngộ độc rượu, Strychnin, long não, Picrotixin, Pentetrazol, Oxyd carbon (CO).
- Những rối loạn chuyển hóa: Những cơn co giật có thể xảy ra ở những bệnh nhân nhiễm Ure huyết, bệnh sản giật, nhiễm kiềm, hạ đường huyết, giảm Calci huyết.
- Thiếu Oxy não: Hội chứng Adams – stokes (thiếu máu não cấp tính), ngộ độc CO, ngừng thở kéo dài, suy nhược.
- Sốc phản vệ: Bệnh huyết thanh, dị ứng thuốc.
- Hội chứng cai nghiện: Những cơn co giật có thể xảy ra trong trường hợp cai nghiện rượu, thuốc ngủ và các thuốc hướng thần gây dung nạp và phụ thuộc sinh lý (gây nghiện).
- Tăng thân nhiệt, cảm nóng.
2. Sinh lý bệnh động kinh
Ổ động kinh được hình thành bởi những tế bào thần kinh (neuron) gây ra những đợt phóng xung thần kinh tần số cao, cách quãng. Những đợt tăng kích thích tại chỗ này có thể là bẩm sinh hoặc do một quá trình bệnh lý tại chỗ (rối loạn mạch máu, chuyển hóa, viêm, ngộ độc hoặc ung thư). Những biểu hiện lâm sàng của cơn động kinh tùy thuộc vào vị trí của ổ sinh động kinh hơn là vào nguyên nhân gây động kinh. Những biểu hiện này phụ thuộc vào kiểu cách mà những kích thích từ ổ sinh động kinh lan tỏa ra các thành phần khác nhau của não bộ. Nếu kích thích này lan tỏa ra toàn bộ các phần của não, sẽ gây ra cơn động kinh toàn thể (động kinh cơn lớn) với biểu hiện co giật và mất tri thức. Nếu ổ sinh động kinh chỉ kích thích tới các vùng lân cận, thì sẽ xảy ra cơn động kinh bộ phận, với những biểu hiện phụ thuộc vào vị trí của ổ sinh động kinh và mức độ rộng của phần thần kinh bị kích thích lan tỏa tới. Trong trường hợp này thì triệu chứng, tín hiệu khởi đầu của cơn động kinh, nếu xuất hiện nhiều lần qua mỗi cơn liên tiếp, sẽ có giá trị lớn trong việc chẩn đoán định khu tổn thương: khu trú ở hồi trán lên trong cơn động kinh Bravais – Jackson, khu trú ở thùy đỉnh trong cơn động kinh cảm giác, vỏ thùy chẩm trong cơn động kinh thị giác, vỏ thùy thái dương trong cơn động kinh thính giác… Trong những trường hợp khác, ổ sinh động kinh có thể không biểu hiện trên lâm sàng, nhưng có thể gây những rối loạn của não ở tầm xa, ví dụ như cơn vắng ý thức hoặc cơn rung giật cơ.
Hoạt động sinh động kinh được duy trì trong thời gian cơn diễn biến là do cơ chế phản hồi (feedback), còn tác động ức chế toàn bộ hoạt động của não quyết định cơn động kinh kết thúc và tình trạng suy giảm sau cơn kịch phát. Những cơn động kinh toàn thể thường có xuất phát điểm dưới vỏ não, trong khi các cơn cục bộ lại thường có xuất phát điểm ở vỏ não. Những cơn động kinh thường được phát động bởi kích thích bên ngoài (động kinh phản xạ), hoặc bởi một xúc cảm bên trong.
Bệnh động kinh có thể xảy ra nguyên phát hoặc động kinh là di chứng của tổn thương thực thể tại não. Biết được
nguyên nhân gây bệnh động kinh, thầy thuốc sẽ có những tiên lượng, hướng điều trị hợp lý cho bệnh nhân.
BS. Nguyễn Thùy Ngân